Sự thật phi hành gia 'cao vọt' khi bay vào vũ trụ

TPO - Một phi hành gia người Nhật Bản đang làm nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vừa cho biết trên mạng xã hội rằng anh đã cao thêm 9cm kể từ khi lên đó cách đây 3 tuần.
Phi hành gia người Nhật Norishige Kanai đang thực hiện nhiệm vụ dài 6 tháng trên Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: Kirill Kudryavtsev

Phi hành gia Norishige Kanai còn viết rằng anh thấy lo lắng vì có thể sẽ không ngồi vừa ghế của tàu vũ trụ Nga Soyuz để trở về Trái đất vào tháng 6 tới.

“Chào buổi sáng. Hôm nay tôi có một thông báo quan trọng. Chúng tôi vừa đo cơ thể sau khi lên vũ trụ. Ôi tôi đã thực sự cao thêm 9cm!” anh Kanai tuần này viết trên Twitter.

Thông báo này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của truyền thông. Tuy nhiên, anh Kanai vừa xin lỗi rằng thông tin anh đưa ra không chính xác vì anh đã tính nhầm số và anh chỉ thực sự cao thêm 2cm.

Tuy nhiên, việc các phi hành gia cao lên đáng kể khi vào vũ trụ là một điều bình thường.

Vũ trụ là không gian nguy hiểm với con người, và việc phải sống trong môi trường không trọng lực gây tác động rất nhiều lên cơ thể. Nhiều phi hành gia nhận thấy rõ điều đó sau khi trở về Trái đất.

Khi không có lực hấp dẫn như trên Trái đất, cột sống có thể nở ra vì được giảm tải, khiến chiều cao thay đổi. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sau khi phi hành gia trở về Trái đất, chiều cao của họ sẽ trở lại bình thường.

Thông thường các phi hành gia được cử lên ISS trong khoảng 6 tháng mỗi lần, nhưng phi hành gia người Mỹ Scott Kelly làm nên lịch sử vào năm 2016 sau khi hoàn thành hành trình 340 ngày cùng phi hành gia người Nga Mikhail Kornienko.

Mục đích của sứ mệnh này là để hiểu rõ hơn về tác động của trạng thái không trọng lượng, phóng xạ và sự cách ly lên cơ thể con người trong một hành trình dài trên vũ trụ.

Vì có một người anh em song sinh nên phi hành gia Kelly là trường hợp tuyệt vời để nghiên cứu tác động lâu dài lên cơ thể khi ông phải ở lâu trong vũ trụ. Trong khi đó, người anh em song sinh tên là Mark vẫn ở trên Trái đất để sau đó hai người được so sánh với nhau.

“Hầu hết các vấn đề sức khỏe không gây ra triệu chứng gì, bạn không thể cảm nhận được mật độ xương của mình”, ông Kelly nói với BBC.

Sau khi trở về Trái đất, Kelly phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra cơ thể. Thời gian ở lâu trong vũ trụ để lại cho ông rất nhiều vấn đề.

“Tôi bị đau, cứng người, giảm mật độ xương và mất cơ một chút. Tôi cũng bị sưng một số chỗ và bị tăng áp lực lên sọ”, Kelly giải thích.

Phi hành gia này còn bị phát ban trên da, buồn nôn và chóng mặt khi phải điều chỉnh để thích nghi với Trái đất.

“Chúng tôi không được cảnh báo điều gì cụ thể trước cả, nhưng đó cũng là một phần cuộc sống của phi hành gia”, Kelly nói.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (Nasa) cho biết chuyến đi của ông Kelly là bước đi quan trọng để tiến tới việc có biện pháp giảm nhẹ rủi ro y sinh học trong những chuyến du hành vũ trụ, từ đó giúp xây dựng kế hoạch cho các sứ mệnh trong tương lai như đưa phi hành gia lên sao Hỏa và xa hơn nữa.

Một hành trình lên hành tinh đỏ sẽ mất ít nhất 30 tháng mới hòa tất, lâu hơn nhiều so với thời gian bất kỳ phi hành gia nào từng trải qua trong vũ trụ cho đến nay.