“Đi là thắng lợi, ở là quang vinh”
Ngày 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau – tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”. Đây là dịp để cán bộ Đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu mạnh.
Ngày 7/5/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chiến thắng lịch sử đó đã trực tiếp góp phần buộc Chính phủ Pháp và các bên có liên quan phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tiến hành việc tập kết lực lượng của hai bên.
Theo Hiệp định, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của T.Ư Đảng, Bác Hồ và T.Ư Cục niềm Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy Cà Mau cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần “đi là thắng lợi, ở là quang vinh”. Trong thời gian 200 ngày tập kết đó, đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.
Dấu ấn không thể nào quên
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện tập kết, chuyển các lực lượng của ta ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm của quân và dân ta vì sự nghiệp cách mạng cao cả.
“Việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ là dịp để ôn lại những kí ức hào hùng của những ngày tập trung chuẩn bị về những chuyến tàu tập kết ra Bắc, những năm tháng sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập và những ân tình sâu nặng của quân, dân miền Bắc đối với những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh đã từng tham gia tập kết ra Bắc mà còn là dịp để chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của sự kiện tập kết ra Bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng”, ông Hải chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết thêm, Hội thảo lần này cũng góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng ta và truyền thống lịch sử của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước cũng như tạo động lực cho các thế hệ sau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng
Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mai – Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, Cà Mau là 1 trong 3 khu vực Nam Bộ được vinh dự chọn làm khu tập kết với thời gian dài nhất để tổ chức lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...Việc tổ chức tập kết ra Bắc và tổ chức tập kết 200 ngày ở Cà Mau không chỉ thực hiện nội dung Hiệp định Giơnevơ mà là một phần của công cuộc tái lập trật tự ổn định sau chiến tranh. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai miền Nam – Bắc.
“Hội thảo khoa học 200 ngày tập kết ra Bắc có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với Cà Mau mà còn đối với cả nước. Đây là một trong những hoạt động quan trọng kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc và là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử ‘tình sâu nghĩa nặng’ của đồng bào chiến sĩ nhân dân hai miền Nam – Bắc trong những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc”, bà Mai chia sẻ.
Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau – tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” do tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; Liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro); Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau; Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnamairline).