Sự cố Toyota hé lộ điểm yếu của người Nhật

TPO - Tạp chí Newsweek bình luận, những sai lầm của Toyota về vấn đề an toàn dẫn tới cuộc triệu hồi gần 10 triệu xe trên toàn thế giới, cũng thể hiện những điểm yếu trong phương thức quản trị kinh doanh tại Nhật Bản.
Toyota được cho là mắc sai lầm trong phương thức quản trị doanh nghiệp. Ảnh AP

Người dân Nhật Bản xúc động khi chứng kiến chủ tịch tập đoàn Toyota, ông Akio Toyoda, trong phiên điều trần tại hạ viện Mỹ, hôm 24/2, xin lỗi thân nhân các nạn nhân thiệt mạng trong những vụ tai nạn do liên quan tới sự cố an toàn dẫn tới những cuộc triệu hồi gần 10 triệu xe trên toàn cầu.

Sự xuất hiện của "người đội trưởng không chính thức ngành công nghiệp sản xuất của đất nước", biệt danh mà tờ báo lớn nhất Nhật Bản đặt cho ông Toyoda, tại Mỹ dường như ghi dấu một đoạn dốc nữa trong quá trình suy yếu của nền kinh tế nước này.

Từng khiến phương Tây e ngại và nể sợ, nền kinh tế Nhật dần xuống dốc trong vài thập niên gần đây do cách quản trị gặp vấn đề. Năm nay, Nhật Bản được dự báo sẽ bị Trung Quốc vượt qua soán ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dù sao, dù sao đi nữa người Nhật vẫn tin tưởng họ có Toyota, một thời được coi là "tiêu chuẩn vàng toàn cầu cho chất lượng sản phẩm."

Nhưng giờ đây, Toyota trở thành đối tượng chế giễu cho các họa sỹ biếm họa thỏa sức sáng tác về cuộc khủng hoảng triệu hồi xe vì vấn đề an toàn. Và cả danh tiếng từ chất lượng tuyệt vời của hàng hóa "Made in Japan - sản xuất tại Nhật" cũng bị ảnh hưởng.

Nhận được sự bảo vệ của Mỹ sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu duy nhất tạo hình ảnh cho đất nước: sản xuất hàng hóa chất lượng. Ngành công nghiệp sản xuất Nhật "nuôi sống" tới hơn nửa dân số.

Bất chấp những đối thủ như Trung Quốc hay Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ tới đâu, người Nhật có thể tự tin khi họ có lợi thế cốt yếu là sức mạnh của các thương hiệu.

"Toyota từng là biểu tượng của sự phục hồi trong thời gian dài suy thoái của chúng tôi", Ryo Sahashi, chuyên gia về chính sách công tại Đại học Tokyo, nói. Giờ đây những rắc rối của Toyota đã "gây sụt giảm niềm tin về những phương thức điều hành doanh nghiệp tại Nhật và nền kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang vượt qua chúng tôi."

Nhưng không phải tới khi Toyota gặp khủng hoảng nền kinh tế Nhật mới gặp vấn đề, trước đó, nhiều thương hiệu sản xuất, chế tạo hàng đầu xứ mặt trời mọc đã đánh mất ánh hào quang made-in-Japan, theo ông Michael J. Smitka, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực ô tô.

Sanyo đã "nói lời tạm biệt", từng phần của hãng được rao bán trong quá trình tái cơ cấu. Toshiba và Fujitsu cũng đang trong quá trình tổ chức lại. Sony dường như "hứng thú" với vai trò sản xuất phim bom tấn Hollywood hơn là một nhà sản xuất Nhật Bản, còn các hãng sản xuất ô tô như Mitsubishi Motor, Mazda, và Nissan đều có liên doanh với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm nay.

Trong vài năm đầu của thập niên vừa qua, Nhật Bản thường dốc sức cho những mục tiêu "phù du" nhằm biến quốc gia có nhiều hòn đảo này trở thành miền đất hứa cho những thứ rất, rất mới: nano cái này, bio cái kia (công nghệ nano, sinh học). Mà Google Nhật khi ấy vẫn chưa ra đời.

Không thể phủ nhận vị thế của Toyota tại Nhật, với doanh số 263 tỷ đô la năm 2009, tập đoàn này vẫn là công ty lớn nhất Nhật Bản và là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, nhưng cơn ác mộng triệu hồi xe đã làm bộc lộ những vấn đề tại chính quê hương của Toyota.

Giống như nhiều tập đoàn lớn khác của Nhật Bản, kể cả những tập đoàn toàn cầu, Toyota được điều hành dưới một hệ thống tôn ti trật tự chặt chẽ, có tính chất địa phương cục bộ, khiến hạn chế sự sáng tạo cũng như nguồn nhân lực từ bên ngoài.

Theo ông Robert Dujarric thuộc trường đại học Temple, Nhật Bản, phương thức quản trị của Toyota là phổ biến ở Nhật, các nhà cung cấp linh kiện là một phần trong trục Toyota, giới hạn tối đa sự tiếp xúc với bên ngoài.

Việc phản ứng dư luận cũng gặp trở ngại do văn hóa Nhật Bản có xu hướng tránh tranh cãi và gây mâu thuẫn, thế nên, ban đầu Toyota kiên quyết phủ nhận xe của họ gặp vấn đề an toàn dù có những bằng chứng rõ ràng.

Nhìn từ nhiều góc độ, có thể coi Toyota là biểu hiện của đất nước đang "lạc lối" trên con đường phát triển kinh tế. Theo một cuộc điều tra trong năm 2008, người dân Nhật Bản ngày càng không hài lòng với đường lối phát triển của đất nước họ hơn hầu hết các quốc gia khác.

Còn một cuộc điều tra dư luận khác của Ipsos/Reuters trong tháng hai vừa qua cho thấy chỉ 14% người dân Nhật tin tưởng đất nước họ đang đi đúng hướng, mức thấp nhất trong số 23 quốc gia được điều tra. Với nhiều người, cơn khủng hoảng của Toyota gợi ra một minh chứng cho sự nhầm đường đó.

"Toyota là hình ảnh của nước Nhật trên khắp thế giới nếu xét về văn hóa hay kinh tế Nhật Bản", ông Masayoshi Arai, cố vấn đặc biệt của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói, "chúng tôi tự hào về Toyota, giờ đây vấn đề của họ làm ảnh hưởng tới niềm tự hào đó".

Nam Hoài
Theo Newsweek

Khủng hoảng và cách giải quyết đáng thất vọng là chuyện mới xảy ra ở Toyota song theo báo The Economist, vấn đề này phản ánh một sự thất bại chung của cách điều hành doanh nghiệp ở Nhật Bản, khiến các công ty lớn dễ gặp sai lầm trong xử lý tình huống tiêu cực.

Hầu như công ty Nhật nào cũng duy trì một hệ thống tôn ti trật tự chặt chẽ, trong đó người lớn tuổi được tôn kính, cấp dưới hầu như không dám báo lên cấp trên những thông tin không đẹp, khiến thông tin không đến được cấp có thẩm quyền hoặc bị vo tròn để làm vừa lòng lãnh đạo.

Những mối quan hệ gia đình, thân thuộc chằng chịt càng làm cho hệ thống này thêm bền vững; những người “báo cáo vượt cấp” bị coi là không đáng tin cậy và vi phạm chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp.

Tư duy tập thể, trách nhiệm tập thể trở thành phương châm quản trị vì nhà quản trị không có xu hướng dịch chuyển giữa các doanh nghiệp: việc thuê chuyên gia bên ngoài bị coi là phá vỡ sự hài hòa nội bộ của công ty, chuyên gia muốn chuyển công tác bị coi là “kẻ nhảy việc” thiếu trung thành.

Nếp văn hóa kiểu gia đình đó không chỉ cản trở khả năng đưa ra các hành động táo bạo và kiên quyết của doanh nghiệp Nhật Bản mà còn khiến công ty ngủ quên trên thành tích của mình mà ít quan tâm tới người tiêu dùng và thiếu hẳn cơ chế giám sát, phản biện.

Riêng tại Toyota, ban quản trị gồm 29 thành viên đều là người Nhật và đều là “người trong nhà” (insider), không có một chuyên gia độc lập nào. Các công ty Nhật khác cũng thiếu tính đa dạng như vậy, chỉ trừ Sony và eAccess.

Theo TBKTSG