Sóng di động Viettel - 'Cây cầu vô hình' nơi Trường Sa

Từ đất liền ra Trường Sa và nối giữa các hải đảo xa xôi là một cây cầu vô hình. Cây cầu đó tạo ra những giá trị tinh thần, vật chất không thể đo đếm cho quân và dân nơi đây.

Công nghệ trồng rau Đà Lạt ra Trường Sa

Ở Trường Sa, sóng di động Viettel là một cây cầu vô hình, giúp quân và dân trên đảo luôn ở gần với người thân, với đất liền. (Ảnh: Xuân An).

“Trong những năm ở đảo, có lẽ điều đặc biệt nhất mà mình được chứng kiến chính là việc đảo có sóng di động”, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 957 - Vùng D Hải quân, nguyên đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, Đại tá Nguyễn Đại Dương nhớ lại.

Ngày ấy, khi nghe tin Viettel sẽ ra lắp trạm phát sóng di động, cả đảo từ cán bộ chỉ huy đến chiến sỹ, người dân đều rộn ràng. Vậy là sắp hết cảnh cứ mỗi sáng Chủ nhật, mọi người tập trung để đồng chí phụ trách thông tin của đảo gọi tên theo danh sách được trưởng đảo phê duyệt… để được gọi điện về nhà qua “trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ” VSAT. Mà chất lượng cuộc gọi rất phập phù, tiếng nói thường trễ đến mấy giây. Hôm nào thời tiết xấu là… nghỉ. Còn lại, sợi dây liên hệ với hậu phương của những người lính bám đảo đều phụ thuộc vào những lá thư theo tàu ra đảo mỗi năm một vài lần.

Ngày tàu đưa đoàn cán bộ kỹ thuật của Viettel đến, cán bộ, chiến sỹ kéo ra đón tận cầu tàu và được cả đảo "chiều chuộng" như thượng khách. Mọi việc nặng nhọc đều “bị” anh em chiến sỹ tranh nhau làm. Mấy nhân viên Viettel chỉ cần tập trung thao tác kỹ thuật để trạm nhanh phát sóng.

Giờ G cuối cùng cũng đã điểm. Sóng di động Viettel đã sẵn sàng lên lưới vươn cao, vươn xa. Chiều hôm đó, toàn đảo tập trung. Anh em sỹ quan, chiến sỹ, người dân tụ tập háo hức như có hội. Đảo trưởng Nguyễn Đại Dương là người thực hiện cuộc gọi đầu tiên về đất liền. Đó là cuộc gọi về Trung tâm Kỹ thuật Viettel Khu vực II thông báo: Sóng đã thông, toàn đảo gửi lời cảm ơn Viettel đã kết nối đảo với đất liền. Người nghe máy là một cô gái có giọng ngọt đến giờ có nghe lại, đảo trưởng Nguyễn Đại Dương cũng nhận ra. Sau khi gọi một vòng thông báo cho các thủ trưởng Vùng D Hải quân, anh Dương mới gọi về cho vợ qua điện thoại của hàng xóm: “Giờ đảo có sóng rồi, em mua máy điện thoại đi. Từ nay gọi lúc nào cũng được mà”. Rồi đảo trưởng quyết định ngả 3 con lợn, cả đảo liên hoan ăn mừng sóng Viettel đã phát.

Từ ngày hôm đó, đời sống trên quần đảo đã bước hẳn sang một thời kỳ mới. Không còn cảnh ngóng tàu ra đảo để nhận thư nữa, bởi chẳng có ai lại gửi thư cho người bất cứ lúc nào cũng nói chuyện trực tiếp được. Mà có gì cần viết thì đã có thư điện tử, gửi nhận tức thì. Không còn cảnh đọc báo cũ đến nửa năm, bởi báo online được lính ta cập nhật từng phút qua Internet trên những chiếc smartphone đủ loại… Sắp tới, các đảo còn sẽ tổ chức tại các đảo “Vườn tri thức” để chiến sỹ có điều kiện học tập nâng cao kiến thức ngay thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị cho tương lai sau này.

Sóng di động cũng thực sự phát huy vai trò trong những việc trước đây tưởng chừng quá khó. Quý giá nhất có lẽ là những cuộc hội chẩn cấp cứu liên đảo, hay thậm chí giữa đảo với bác sỹ trong đất liền bằng điện thoại di động. Bác sỹ có tay nghề cao hơn đóng ở đảo lớn điện thoại hướng dẫn cho đồng nghiệp ở đảo nhỏ thực hiện cấp cứu những ca ngoài trình độ chuyên môn. Những ca khó hơn nữa thì chuyển về đảo lớn. Và từ đây, điện thoại sẽ được kết nối trực tiếp với các bác sỹ của Viện Quân y 175 (TP. HCM) để hội chẩn và hướng dẫn xử lý. Qua đó, không chỉ người bệnh được cứu sống mà các bác sỹ tại đảo cũng được học hỏi nâng cao tay nghề trực tiếp. Nhờ vậy mà đã có rất nhiều trường hợp cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển quần đảo được cứu sống kịp thời khi gặp tai nạn.

Không chỉ cán bộ, chiến sỹ, mà cả ngư dân trên các tàu cá đều biết và có thể gọi cho đảo trưởng bất cứ lúc nào: Khi rảnh rỗi thì hỏi thăm, lúc sự vụ thì nhờ hỗ trợ. Cũng không thể kể hết có bao nhiêu trường hợp bộ đội trên đảo kịp thời hỗ trợ ngư dân trong những tình huống hiểm nguy trên biển, nhờ sóng điện thoại di động. Từ tai nạn thân thể, bệnh tật bất ngờ đến sự cố máy móc tàu bè… đều được ngư dân nhanh chóng thông tin cho bộ đội trên các đảo.

Cũng nhờ sóng điện thoại mà các tổ, đội tàu đánh cá có thể thường xuyên thông báo với nhau về tình hình ngư trường, làm tăng hiệu quả cho từng lần thả lưới. Nhờ vậy mà bà con cũng yên tâm hơn hẳn trong mỗi chuyến ra khơi. Đảo trưởng Nguyễn Đại Dương cho biết, từ ngày có sóng di động, số lượng tàu thuyền của bà con đánh bắt trên ngư trường Trường Sa tăng lên rõ rệt.

Là một chỉ huy chịu trách nhiệm toàn diện ở hải đảo tiền tiêu, anh Dương cho rằng, điều quan trọng nhất mà sóng di động Viettel đã trực tiếp đóng góp là củng cố tinh thần bộ đội. “Nói không hề quá, sóng Viettel đã bắc một câu cầu vô hình nhưng thật vĩ đại!”, Đảo trưởng Nguyễn Đại Dương chia sẻ.

Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Đảng, quân đội và nhân dân giao phó suốt 2 kỳ công tác như anh Dương mới thật thấm thía hết ý nghĩa của sóng di động nơi bốn bề mênh mông sóng nước. Những ai đã từng mỗi lúc hoàng hôn trùm dần xuống đảo lại ngồi nao nao nhìn về phía đất liền mới thật sự hiểu vì sao lính đảo thường nói, giờ đất liền chỉ còn cách đảo một nút bấm. Niềm vui hay những nỗi âu lo của đời sống không còn phải mong mỏi nhiều tháng trời qua những cánh thư nữa mà được chia sẻ mỗi ngày. Là người đi đảo lâu năm, anh Dương nhận thấy rằng, từ ngày có sóng di động, cái cảm giác biền biệt xa xôi không còn nữa. Và dường như thời gian cũng trôi nhanh hơn với những người lính đảo, dù rằng cũng như trước kia, thường đã đi đảo là xa đất liền hàng năm trời./.

Theo Đăng lại