Nhiều vụ tai biến liên quan lĩnh vực thẩm mỹ đã xảy ra trên địa bàn TPHCM thời gian qua. Cụ thể, tháng 7/2021, BS Phan Đức Hồng (59 tuổi) phẫu thuật nâng ngực cho chị Nguyễn Thị T (30 tuổi) tại phòng mạch của mình trên đường Mã Lò, quận Bình Tân. Khi đang thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào tình trạng tím tái, khó thở, tử vong.
Tháng 12/2021, Bệnh viện Nhân Dân 115 liên tục tiếp nhận 2 trường hợp tai biến thẩm mỹ. Trường hợp thứ nhất là chị H.T.N (31 tuổi, ngụ tại quận 8) đi hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn Quận 1, TPHCM. Bệnh nhân được chuyển đến để cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tử vong.
Trường hợp thứ hai là cô gái trẻ N.T.P (24 tuổi, ngụ tại quận 10) vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (quận Tân Phú) để thẩm mỹ vùng lưng. Sau khi được thực hiện phương pháp ủ tê vùng lưng, bệnh nhân đã bị co giật, khó thở, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ nỗ lực hồi sức nhưng người bệnh không qua được nguy kịch.
Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Nh (33 tuổi, quê Đồng Tháp) đến Bệnh viện 1A nâng ngực làm đẹp theo lịch hẹn với BS Nguyễn Văn Thiết. Tuy nhiên, khi bác sĩ đang thực hiện ca mổ, bệnh nhân đột ngột rơi vào nguy kịch, tử vong. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân và sai phạm (nếu có).
Trước tình hình trên, ngày 15/4 bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM đã thông tin về công tác quản lý đối với dịch vụ làm đẹp trên địa bàn thành phố. Sở Y tế cho rằng, thực trạng hành nghề thẩm mỹ “chui” trên địa bàn thành phố không phải là vấn đề mới nhưng luôn là nóng về nhiều phương diện vì trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trên địa bàn thành phố hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) và các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.
Đại diện Sở Y tế cho biết, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của ngành y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” được chia thành 3 nhóm. Gồm: cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp - không cần Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động; cơ sở dịch vụ thẩm mỹ - người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề gửi về Sở Y tế trước khi hoạt động; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ - bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực làm đẹp liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng người dân. Thủ đoạn hành nghề “chui” ngày càng tinh vi. Trước tình hình trên Sở Y tế kêu gọi người dân cung cấp thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để kịp thời xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ.