Thanh Sói công chiếu toàn cầu trên nền tảng trực tuyến từ ngày 23/3. Khởi chiếu từ 23/12/2022, theo trang Box Office Việt Nam, khi rời rạp, phim thu về chưa đầy 25 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất là 46 tỷ đồng. Cú lỗ nặng này khiến nhiều người trong giới bất ngờ, bởi trước đó, chị em sinh đôi của Thanh Sói là Hai Phượng được xem là một trong những phim Việt thành công nhất mọi thời đại với doanh thu hơn 200 tỷ đồng. Có thể nói Thanh Sói là một trong những phim Việt có khoảng cách thời gian ngắn nhất từ lúc ra rạp lên trực tuyến.
Bất ngờ là tác phẩm bị thị trường trong nước quay lưng này lại được khán giả quốc tế chú ý. Trên trang Rotten Tomatoes, phim đạt được 83% "cà chua tươi". Trước đó, Hai Phượng cũng đạt được con số 95%. Chưa hết, trang Variety của Mỹ có hẳn một bài giới thiệu về Thanh Sói của tác giả Richard Kuipers. Tay viết này nhận xét “Thanh Sói có nhiều cảnh hành động thú vị, ly kỳ, gay cấn, tàn bạo. Chúng diễn ra dồn dập và trở nên vô cùng hay ho khi được dàn dựng ở những khu vực hẹp như hành lang, ngõ hẻm. Những hình ảnh này gợi nhớ phần nào đến những bộ phim hành động của Hong Kong”.
Tất nhiên, sau khen là “nhưng”, và lời chê dành cho Thanh Sói của Richard Kuipers cũng rất đáng phải suy nghĩ: Phân đoạn rượt đuổi được quay quá rõ ràng khiến người xem có cảm giác diễn viên đang chơi một trò chơi điện tử, một vài cảnh hài hước xuất hiện không phù hợp với không khí căng thẳng của phim.
Thanh Sói lấy bối cảnh TPHCM những năm 1990, được coi là tập tiền truyện của Hai Phượng. Ngô Thanh Vân từng tuyên bố đây là dự án được đầu tư và tốn công sức bậc nhất trong sự nghiệp của mình. Riêng kinh phí thực hiện, Thanh Sói đã ngốn tiền gấp đôi Hai Phượng.
Có nhiều lý do khiến Thanh Sói thất bại, cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, quan trọng nhất, có lẽ là vì câu chuyện của Thanh Sói chưa đủ hấp dẫn, cả về nội dung lẫn hình thức. Câu chuyện đã quá cũ, mấy ai được Netflix phục vụ tận chân răng còn đủ kiên nhẫn dành cho một mô típ báo thù kiểu chưởng Hong Kong thập niên 1980?
Hai tiếng phim không có gì để xem ngoài các cảnh đâm chém đẫm máu, đã thế còn giả trân. Nói thật, nếu chỉ để xem các màn đánh đấm, Ngô Thanh Vân không có cửa để so với các đồng nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc, đừng nói đến Hollywood. Nếu nói về câu chuyện giang hồ tha hóa, vậy thì các bà trùm của Thanh Sói vẫn cứ là một thứ giang hồ đường phố vặt vãnh, còn xa mới đạt đến tầm lão luyện nguy hiểm như các ông trùm, bà trùm mà điện ảnh thế giới đã dựng nên, kể cả từ thập niên 1970.
Thoại của phim là một thảm họa, đây có lẽ là bệnh chung của phim Việt. Nhiều khán giả than thở, mỗi lần nghe thoại phim Việt là đều đỏ cả mặt vì ngượng. Thoại của Thanh Sói thì có vấn đề từ đầu đến cuối. Các nhân vật từ trùm to đến trùm nhỏ đều nhả thoại như đọc văn mẫu, sặc mùi dạy đời, nhưng lại không đủ biểu cảm. Những triết lý kiểu: “Đàn ông là vậy, tụi nó coi đàn bà như đồ chơi... đem nỗi đau của chị em mình ra coi như trò đùa... đã đến lúc, mình phải cho tụi nó trả giá" khiến các khán giả của phim giang hồ “rơi nước mắt vì nhớ những lời như gang như thép của Bố già Corleone”.
Thanh Sói còn có một số cảnh 18+ nhưng hầu hết cảnh này đều phản cảm, giống phim người lớn hơn là phân đoạn cần phải có để lý giải tâm lý nhân vật.
Kịch bản cũng là một điểm yếu của Thanh Sói. Khán giả ngồi suốt 2 tiếng vẫn không hiểu, làm cách nào mấy cô gái giang hồ tồn tại được trong một thế giới người ăn người trong khi mọi hành động của họ đều diễn ra theo bản năng, không hề có kế hoạch hay chất xám nào trong đó.
Vai phản diện của Thuận Nguyễn (Hải chó điên) được đánh giá là “độ ngẫn cao chưa từng có” khi đàn em dưới trướng liên tục bị tiêu diệt mà một chút manh mối cũng không nhìn ra... Nói chung, hầu hết động cơ và mục đích của các anh chị giang hồ trong phim đều vớ vẩn và thiếu thuyết phục.
Gọi họ là đám lưu manh đường phố ô hợp thì được, chứ gọi trùm giang hồ thì quá khiên cưỡng. Không biết ê-kíp làm phim có nghiên cứu các dạng phim giang hồ tương tự hay không, chứ các đại ca, chị đại trong phim giang hồ đã tiến hóa càng giống với trí thức thâm sâu thâm tàng bất lộ từ lâu rồi.
Một lý do khác khiến Thanh Sói không chiếm được cảm tình của khán giả bởi vì cảm tình của người xem trước đó đã bị chính đả nữ làm cho cạn kiệt sau vụ lùm xùm Trạng Tí lạm dụng chiêu trò bơm thổi, khóc lóc, trần tình để tạo kịch truyền thông. Cộng thêm cảm xúc của khán giả thời điểm cuối năm 2022 đã bị hàng loạt thảm họa phim ảnh làm cho chai cứng.
Những bộ phim “dở được đến thế cũng là phi thường” kiểu như Virus cuồng bạo, Cù lao xác sống, Kẻ đào mồ, Là mây trên bầu trời của ai đó, Dân chơi không sợ con rơi, Vô diện sát nhân, Duyên ma, Trò chơi tử thần, Mười: Lời nguyền trở lại... đã khiến khán giả trở nên thận trọng và chán công việc giải cứu phim.