Chuyện mê tín tưởng như chỉ xuất hiện ở những người dân bình thường thì giờ nó đã len lỏi vào tâm trí cả giới cầu thủ. Nói đâu xa, câu chuyện về số áo ở Chelsea là một điển hình như thế.
Trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè 2014, HLV Jose Mourinho quyết định đẩy Fernando Torres tới AC Milan theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 năm.
Gần như ngay lập tức, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha chi 10,5 triệu bảng để mang Loic Remy về như một sự thay thế. Theo lẽ thường, tiền đạo người Pháp sẽ mang áo số 9 mà đồng nghiệp người Tây Ban Nha bỏ lại. Nhưng không, trong lễ công bố số áo của Chelsea hôm qua, cựu ngôi sao QPR đã quyết định chọn cho mình số áo 18, chứ nhất quyết không nhận lại áo số 9.
Remy nói rằng, anh thích áo số 18 và vì 1+8 bằng 9 nên cũng có thể coi như anh sẽ mang áo số 9. Nhưng một người bạn của tiền đạo người Pháp này thì hé lộ, Remy sợ đi vào vết xe đổ của những số 9 Chelsea trước đây nên tránh số áo này như tránh tà. Lật lại lịch sử thì đúng là áo số 9 tại Stamford Bridge thường chẳng mang lại may mắn cho những chủ nhân của nó.
Hồi còn khoác áo Liverpool, Torres được mệnh danh là “El Nino” (tên một cơn bão) nhờ tốc độ và khả năng ghi bàn nhạy bén (ra sân 142 trận, ghi 81 bàn). Tháng 1/2011, anh gia nhập Chelsea với giá 50 triệu bảng, nhận áo số 9 và bắt đầu những ngày tháng đáng quên. 172 trận, Torres chỉ ghi có 45 bàn và bị coi là bản hợp đồng tệ nhất trong kỷ nguyên Roman Abramovich.
Trước Torres, những số 9 khác của Chelsea như Mateja Kezman, Khalid Boulahrouz, Franco Di Santo, Steve Sidwell, Hernan Crespo hay thậm chí cả bộ đôi Kerry Dixon - Jimmy Floyd Hasselbaink cũng trải qua những ngày đáng quên. Boulahrouz và Sidwell chỉ là những cầu thủ phòng ngự, nhận áo số 9 một cách gượng ép; Kezman và Crespo ghi trung bình mỗi mùa... 10 bàn; Di Santo không thể lớn và rồi lưu lạc sang Đức... Chỉ cần nghe thôi đã thấy nản!