Số 1 về xuất khẩu, người trồng tiêu vẫn khổ!

TP - Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% thị phần xuất khẩu toàn cầu nhưng chất lượng thương hiệu chính thống lại chưa có, còn người trực tiếp sản xuất ra hồ tiêu thì có cuộc sống bấp bênh.

Người dân chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Song Nguyễn

Số 1 về xuất khẩu

Năm 1996, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu với số lượng 16.000 tấn; đến năm 2006 là 116.000 tấn, đạt gần 190 triệu USD; năm 2007 là 82.000 tấn, đạt gần 300 triệu USD. Chỉ trong tháng 5/2008, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã đạt 10.197 tấn.

Trong đó tiêu đen đạt 9.277 tấn, tiêu trắng đạt 920 tấn. Kim ngạch đạt 35,8 triệu USD (tiêu đen 30,8 triệu USD, tiêu trắng 5 triệu USD). Xuất khẩu trong tháng 5 tăng 19% về lượng xuất khẩu (1.646 tấn) và tăng 19% về trị giá (5,9 triệu USD) so với tháng 4/2008.

Trong số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tháng 5, đứng đầu là Công ty cổ phần XNK Petrolimex – Pitco (với 995 tấn), tiếp theo là các đơn vị như: Phúc Sinh (876 tấn), Haprosimex HCM (849 tấn), Intimex HCM (740 tấn), Ngô Gia và Harrisfree Man (cùng 735 tấn). Trong đó, Ngô Gia tiếp tục đứng đầu về lượng xuất khẩu tiêu trắng với 204 tấn.

Hoa Kỳ là một trong những thị trường truyền thống của hồ tiêu Việt Nam, các tháng trước đây nhập khẩu hồ tiêu của Hoa Kỳ luôn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 5/2008 vừa qua, Hoa Kỳ đã trở lại vị trí hàng đầu về nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam với 1.339 tấn, tăng 86% tương đương với 619 tấn.

Hiện, hồ tiêu Việt có mặt ở 73 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, khẳng định vị trí số 1 trên thị trường quốc tế.

Nhưng chưa có thương hiệu chính thống

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam từng thừa nhận, hiện nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được chất lượng “thương hiệu” chính thống cho hồ tiêu. Song, chất lượng hồ tiêu trong nước gần đây đã được cải thiện đáng kể từ khâu sản xuất, thu hoạch, đến chế biến…

Nhiều nhà máy đã tích cực đầu tư công nghệ chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ sở để từng bước tạo “thương hiệu” cho hồ tiêu Việt trên thương trường quốc tế.

Tuy nhiên, thực trạng của hồ tiêu Việt Nam hiện nay vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu. Các vùng sản xuất hồ tiêu hầu hết do người dân phát triển tự phát, không có quy mô, thường từ 1- 2 ha/ hộ.

Bên cạnh đó việc đầu tư hạt giống, khoa học kỹ thuật  cho việc chế biến... vẫn nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, các nhà xuất khẩu Việt Nam rất dễ bị các nhà nhập khẩu trên thế giới “bắt chẹt” nên rất khó chủ động về giá cả... Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người trực tiếp làm ra hồ tiêu.

Bấp bênh đời sống người trồng tiêu

Chăm sóc cây hồ tiêu

Hiện nay Việt Nam có khoảng 50.000 ha diện tích cây hồ tiêu được được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và huyện đảo Phù Quốc (Kiên Giang)... Những người trực tiếp trồng tiêu nếu được mùa và được giá thì còn có chút vốn để tái tạo vườn tiêu.

Ngược lại, tiêu sẽ bị phá bỏ và người trồng dễ lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Nhà ông Tư ở huyện Bình Long, Bình Phước có tới hơn 2 ha trồng tiêu, bình quân mỗi năm thu được khoảng trên 10 tấn nhưng vào dịp tiêu bị sâu bệnh hàng loạt thì chỉ còn lại chưa đầy 5 tấn, khiến gia đình rơi vào khó khăn.

Hơn nữa, trên thực tế, được mùa đi đôi với được giá là rất hiếm vì khi sản lượng nhiều, thường lại bị các nhà buôn ép giá.

Hơn 1 năm trở lại đây, khi tiêu được giá nhiều hộ dân đã tiếp tục trồng mới và phát triển rộng thêm ở một số tỉnh như: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắc Nông, Đắc Lắc...

Đây lại là điều vừa mừng vừa lo. Bởi, khi diện tích tiêu phát triển rộng, sản lượng cao thì thường đi kèm với rủi ro về giá cả. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa thể chủ động giá cả của mình trên thị trường thế giới thì việc thu mua cũng tùy thuộc vào biến động này.

Việc phát triển cây hồ tiêu ở nước ta còn mang nặng tính chất tự phát, rủi ro cao.Trong chương trình “Hội nghị thường niên lần thứ 36 của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) và triển lãm diễn đàn về Hồ tiêu và gia vị Quốc tế năm 2008” chuẩn bị diễn ra tới đây tại TPHCM sẽ là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu vững chắc cho hồ tiêu Việt Nam.

Theo kế hoạch phát triển hồ tiêu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thì sẽ giữ ổn định sản xuất hồ tiêu ở mức 50.000 ha, sản lượng giai đoạn 2005 - 2010 trung bình hàng năm đạt mức 100.000 - 120.000 tấn.

Tuy nhiên, chủ trương giữ mức 50.000 ha hồ tiêu có thể bị phá vỡ nếu việc quản lý của các cơ quan chức năng không chặt chẽ và sự phối hợp không đồng bộ. Quan niệm: “Có đất thì có quyền trồng” là chuyện thường xảy ra ở nông thôn Việt Nam.