Trên đất nước có hầu hết người dân sử dụng điện thoại này, những nhóm Công giáo và Tin Lành phát triển nhiều ứng dụng để giúp tín đồ của họ tiếp cận Kinh thánh và thánh ca dễ dàng ở bất kỳ đâu. Hơn 100 ứng dụng như thế đã ra đời, trong đó có những ứng dụng được tải hàng chục nghìn lần.
Trên xe buýt và tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul, hình ảnh người trẻ đọc Kinh thánh điện tử trên smartphone rất phổ biến. Không nhanh chân như các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa, nỗ lực của các nhóm theo đạo Phật nhằm truyền giáo trên di động vẫn ở giai đoạn trứng nước, vì hiện nay mới chỉ có khoảng 30 ứng dụng dành cho tín đồ Phật giáo, và hơn nửa trong số ứng dụng đó chưa từng được tải xuống. Tín đồ đạo Phật ở Hàn Quốc đang trong giai đoạn mở đường cho phương pháp truyền giáo mới của tôn giáo này.
“Con người hiện đại quá bận rộn. Họ không có đủ thời gian đến thăm đền, chùa vì đền, chùa thường nằm trên núi. Với sự phát triển của các ứng dụng trên điện thoại di động, mọi người có thể dễ dàng giữ liên lạc với đạo Phật. Điện thoại thông minh có thể trở thành chùa di động”, hòa thượng Jung Ho, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Jogye Order (trường phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc), nói.
Những ứng dụng của đạo Phật trên điện thoại được thể hiện dưới nhiều hình thức, gồm tràng hạt trên di động, chương trình tìm kiếm chùa gần nhất thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS)… Người dùng smartphone cũng có thể tải nhiều phiên bản kinh Phật.
Chỉ cần chạm nhẹ màn hình hoặc nhấn phím, sẽ được nghe giai điệu nhẹ nhàng mà trang nghiêm của Phật ca, ngắm hình ảnh những ngôi chùa thanh bình và các vị sư đang ngồi thiền.
Một số ứng dụng vui vẻ, nhẹ nhàng được thiết kế cho những tín đồ mới. Người dùng có thể chạm nhẹ vào chiếc mõ điện tử để nghe âm thanh thường vang lên ở chùa. Ứng dụng mang tên Hello Dharma School gồm hình ảnh thể hiện cuộc sống của Phật kèm theo những mô tả giáo lý cơ bản của đạo Phật, được diễn đạt bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
Nhiều chuyên gia nói rằng, những ứng dụng công nghệ cao là minh chứng cho sự thích nghi của tôn giáo đối với cuộc sống hiện đại. “Những cách thức cũ nhằm truyền bá văn hóa đạo Phật đã không còn theo kịp xu hướng đang thay đổi của xã hội. Nếu không có các kênh thông tin mới như ứng dụng trên điện thoại, người truyền bá đạo Phật dù nỗ lực mấy cũng khó thực hiện sứ mệnh lan truyền tôn giáo này ra cộng đồng”, Kim Sung-chul, giáo sư nghiên cứu Phật học tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc), nhận định.
Minh Long
Theo Yonhap News