Đầu năm nay, tạp chí Popular Mechanics đã công bố các bức ảnh được nói là bị rò rỉ cho thấy khả năng của SLRC. Với tầm bắn gần 2.000km, SLRC có thể là một bước đột phá thực sự mang tính cách mạng trong tác chiến pháo binh.
Lục quân Mỹ chưa giải thích làm thế nào SLRC có thể đạt tầm bắn đáng kinh ngạc như vậy, nhưng có vẻ như pháo phát huy tác dụng như kế hoạch. Một ủy ban được thành lập bởi Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ hiện đang xem xét công nghệ để xác định tính khả thi của vũ khí mới và lục quân có kế hoạch thử nghiệm một nguyên mẫu SLRC vào năm 2023. Lục quân Mỹ mô tả SLRC là một khẩu pháo được kéo bởi một xe tải hạng nặng, sử dụng tầm bắn xa để chọc thủng một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ trên không và trên biển của đối phương đủ lớn để các lực lượng Mỹ có thể lách qua.
SLRC phải đối mặt với những hạn chế bởi đây là một hệ thống hoàn toàn dựa vào đất liền. Lục quân Mỹ sẽ cần xin phép các quốc gia như Philippines, Đức, Na Uy hoặc Nhật Bản để đặt vũ khí trên đất của họ, và vì là vũ khí đặt trên xe tải, nó sẽ bị hạn chế trong phạm vi những con đường trải nhựa. Chỉ cần đưa khẩu pháo đến chiến trường sẽ cần đến các sân bay gần nơi triển khai, không phận an toàn và đủ phương tiện vận tải đường không để chuyên chở các khẩu pháo tới nơi cần tới.
Sau đó, giải pháp là đặt ít nhất một số khẩu pháo trên tàu chiến. Đó là một con tàu có thể chở toàn bộ khẩu đội gồm 4 khẩu siêu pháo mà Lục quân Mỹ dự kiến triển khai ở nước ngoài, cùng với đạn pháo để giữ cho các khẩu pháo tiếp tục hoạt động. Một tàu chiến có thể mang theo các khẩu pháo trên biển mà không cần xin phép bất kỳ ai, và sẽ khó khăn hơn đối với các lực lượng đối phương. Nó cũng sẽ linh hoạt cao hơn, triển khai vào các khu vực mà các đồng minh địa phương có thể không sẵn sàng “làm chủ nhà” cho các vũ khí lớn.
Tất cả những điều này nghe có vẻ rất quen thuộc. Vào năm 1940, hầu hết các cường quốc lớn trên thế giới đều duy trì các hạm đội thiết giáp hạm lớn — những tàu chiến cỡ lớn, được bọc thép nặng mang 8 - 12 khẩu pháo, tất cả đều có đường kính từ 30 – 46cm. Các thiết giáp hạm được hình dung như cánh tay quyết định của tác chiến hải quân, buộc hạm đội địch tham gia vào một loạt trận chiến quyết định cuộc chiến trên biển.
Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 1942, những sự kiện ngoài đời thực đã dội một gáo nước lạnh lên các thiết giáp hạm. Việc thiết giáp hạm Đức Bismarck bị phá hủy, việc đánh chìm các chiến hạm Prince of Wales và Repulse của Hải quân Hoàng gia Anh, và trận chiến Midway đều chứng tỏ ưu thế của máy bay so với các loại pháo của thiết giáp hạm. Các thiết giáp hạm cuối cùng rời nhà máy đóng tàu vào năm 1944, và mặc dù thỉnh thoảng quay trở lại hoạt động, lớp tàu này bị coi là lỗi thời.
Các thiết giáp hạm thua hàng không mẫu hạm vì hỏa lực của chúng, tuy lớn, nhưng lại bị hạn chế bởi tầm bắn tương đối ngắn. Các thiết giáp hạm cuối cùng được xây dựng cho Hải quân Mỹ, lớp Iowa, có 9 pháo 46cm Mk 7, nhưng chỉ có thể bắn trúng mục tiêu trong tầm bắn tối đa là 38km. Tàu Iowa, ngoại trừ một cặp thủy phi cơ, tương đối “mù” và không có khả năng xác định vị trí tàu địch ở phạm vi lớn hơn đường chân trời.
Một hàng không mẫu hạm có thể phát triển máy bay trong phạm vi cả ngàn km trong mọi hướng tìm kiếm hạm đội chiến đấu của đối phương, tấn công từ trên không trong một đòn tàn khốc.
Hải quân Mỹ đã tái kích hoạt 4 thiết giáp hạm lớp Iowa của mình trong Chiến tranh Lạnh để hỗ trợ hỏa lực cho hải quân, bao gồm bản nâng cấp vào những năm 1980 trang bị tên lửa hành trình Tomahawk. Các con tàu đã được cho nghỉ hưu vào những năm 1990.