Shipper tự do mỗi ngày kiếm gần 2 triệu, tìm đủ cách 'thông' chốt

TPO - Dù không thuộc nhóm được phép hoạt động trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, nhưng nhiều người giao hàng (shipper) tự do vẫn tìm đủ cách né chốt, bất chấp để nhận đơn mùa dịch.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của shipper giao hàng trong thời gian Hà Nội giãn cách (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)

Ngay khi việc đi chợ, siêu thị bị hạn chế, quản lý bằng phiếu, thì chợ online (trên mạng) nở rộ mua bán đủ loại hàng hoá không phải nhu yếu phẩm, bao nhiêu cũng có, giao hàng tận. Hoạt động này không chịu bất kỳ sự quản lý nào, phương thức giao nhận vẫn như ngày thường, chỉ khác là khách được yêu cầu chuyển khoản trước để tránh “bùng hàng”, giảm tiếp xúc với shipper.

Người bán hàng online thường tìm shipper trên một số ứng dụng được cấp phép hoạt động mùa dịch. Tuy nhiên, các ứng dụng này thường xuyên trong tình trạng quá tải, đơn đặt không có người nhận. Thậm chí, hôm qua 12/8, Giao hàng tiết kiệm (GHTK) thông báo dừng nhận đơn tại Hà Nội cho đến khi có thông báo mới. Đơn vị này được cho là đang quá tải đơn hàng.

Trước đó, nhiều chủ hàng bức xúc vì đơn vị vận chuyển này giao chậm, hàng gửi tồn kho tới nửa tháng. Để giao hàng nhanh, đặc biệt thực phẩm, đồ tươi sống, chủ hàng online buộc phải tìm shipper giao nhận trong ngày. Theo đó, các hội nhóm giao hàng trên mạng xã hội cũng nở rộ, ăn theo chợ online mùa dịch.

Nhu cầu tăng cao kéo giá ship tăng 2-5 lần trong mùa dịch, và không ít shipper tự do vẫn bất chấp dịch bệnh tìm đủ cách làm chui, bày nhau né chốt. Những shipper này không thuộc quản lý của bất kỳ đơn vị nào, không có giấy đi đường, mã xác nhận của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội.

Các nhóm báo chốt sôi động những ngày giãn cách

Dù không được phép hoạt động trong thời gian Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng shipper tự do vẫn tìm đủ cách bày nhau “né” chốt, đi đường tắt, tranh thủ giờ trưa, tối để giao hàng bất chấp dịch bệnh. Ngoài ra, cũng có một số shipper cho biết có giấy đi đường, tin nhắn của Sở GTVT do là nhân viên của công ty cung ứng thực phẩm, chuyển phát, “tiện” làm thêm, nhận đơn ngoài.

N.A (shipper tự do) nhận 3 đơn từ Kim Ngưu đi Láng, Nguyễn Trãi, chợ Phùng Khoang (Hà Nội) với giá 200.000 đồng, cao gấp khoảng 2,5 lần ngày thường. A cho biết: “Giá ship cao vì nhiều chi phí phát sinh”. A không có giấy đi đường, viện lý do vừa làm rơi lúc sáng. Trong các hội nhóm giao hàng, nhiều shipper như A vẫn bất chấp nhận đơn, thậm chí không ít người bàn nhau mua giấy thông hành, tìm cách đăng ký làm shipper công ty để hợp thức hoá hoạt động mùa dịch.

Shipper tự do rêu rao những thông tin không xác thực trên mạng

Giấy đi đường được cấp để di chuyển từ nhà đến chợ Xanh Định Công (Hà Nội) và ngược lại để bán hàng thiết yếu, được một shipper sử dụng "quảng cáo" cho dịch vụ giao hàng toàn thành phố, 24/7 của mình.

Một shipper tự do khác tại Hà Nội còn “khoe” thu nhập đều đặn 1,8 triệu đồng/ ngày, cao hơn đáng kể so với trước dịch. Người này cho biết không có giấy thông hành, nhưng giao theo mối quen, sáng sớm nhận 10 -15 đơn bánh giò, sau đó thì giao gà.

Vừa qua, Hà Nội thêm nhiều ca F0 là nhân viên Viettel Post, làm lo ngại thêm về an toàn vận chuyển hàng hóa. Với việc tổ chức phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đại diện Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch đối với hàng hóa và nhân viên giao nhận. Trái lại, hoạt động shipper tự do đang nở rộ hiện nay rất khó rất kiểm soát, truy vết trong trường hợp cần thiết.