Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý 1 và một số nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2023 ngày 31/3.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, đến hôm nay, EC đã áp thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam tròn 5 năm 5 tháng 9 ngày. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng và Chính phủ rất sốt ruột, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để gỡ bằng được thẻ vàng EC.
Đặc biệt, sau khi Quyết định 81 của Thủ tướng ban hành về Kế hoạch hành động “120 ngày đêm để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Uỷ ban EC lần thứ 4” vào tháng 6/2023, Bộ trưởng NN&PTNT liên tục yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết về các công việc, hoạt động sẽ triển khai trong giai đoạn chạy nước rút.
Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra trực tiếp 5 tỉnh Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Nam Định, làm việc với chủ tịch UBND các tỉnh để bàn những giải pháp khắc phục những tồn tại.
"Nhưng rất đáng tiếc, trong quý 1 chúng ta vẫn để xảy ra 6 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó Kiên Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, mỗi địa phương có 1 tàu và Bình Định có 3 tàu", ông Hùng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, vấn đề nan giải nhất để gỡ thẻ vàng EC là quản lý và giám sát đội tàu. Năm 2022, Việt Nam để xảy ra 81 vụ tàu cá vi phạm với khoảng 110 tàu và gần 1.000 người liên quan.
Đặc biệt, hiện nước ta đã có 96% số tàu cá lắp định vị, nhưng có hơn 50% mất kết nối và 4% tàu cá thuộc diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thứ trưởng Tiến cho hay, qua các cuộc làm việc, EC khẳng định Việt Nam đã đến ngưỡng thời gian bị áp thẻ vàng (bị áp quá lâu-PV) và nhắc đi nhắc lại điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng là không còn bất kỳ tàu cá vi phạm. Ban Bí thư đã nêu rõ, việc gỡ thẻ vàng cần nêu cao trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành, đơn vị, và địa phương.
"Nếu địa phương nào còn tàu cá vi phạm, ngoài các bộ, ban, ngành; từ bí thư, chủ tịch tỉnh đến các quận, huyện, thị xã, phường phải chịu trách nhiệm. Vừa qua, Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào đánh giá kết quả cuối năm”, Thứ trưởng Tiến nói.
Tại họp báo, vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn hơi ở mức thấp đang khiến hàng triệu nông hộ bỏ nghề, vỡ nợ cũng được đề cập.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, xu hướng giá lợn hơi giảm mạnh sau dịch COVID-19 diễn ra phổ biến tại các nước. Nguyên nhân do ảnh hưởng lạm phát, kinh tế khó khăn dẫn tới sức mua giảm mạnh.
Vấn đề cốt lõi là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và diễn ra thời gian dài khiến người dân đang kiệt quệ.
"Đến nay cũng chưa khẳng định được, giá thức ăn chăn nuôi lúc nào ổn định trở lại. Ở góc độ Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội đề xuất giảm thuế các loại đậu tương, khô dầu nhập khẩu từ mức 2% về 0%.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục chăn nuôi xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, tái sản xuất,….vượt qua cơn bão giá chưa từng có trong lịch sử", ông Chinh nói.