Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đánh giá tổng quan về khả năng nâng tốc độ khai thác (tốc độ tối đa cho phép) đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng làn 3,5m từ 80 km/h lên 90 km/h.
Đơn vị này cho biết, thời gian vừa qua, nhiều tuyến đường cao tốc như một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được đưa vào khai thác, sử dụng.
Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.
Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo phương án phân kỳ và đưa vào khai thác như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.
Một số tuyến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 như Mai Sơn - QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Các đoạn tuyến này được phê duyệt phương án tổ chức giao thông với tốc độ tối đa cho phép 80 km/h, tốc độ tối thiểu cho phép 60km.
Tuy nhiên, Cục Đường cao tốc cho hay, có nhiều cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/h bởi theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.
Tốc độ thiết kế trong các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế giới đều dùng để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình.
Tốc độ này khác với tốc độ lưu hành cho phép. Tốc độ lưu hành cho phép, phụ thuộc tình trạng thực tế của đường chức năng của tuyến đường, địa hình, tình trạng kỹ thuật của đường và khí hậu, thời tiết, điều kiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.
Tốc độ thiết kế được xác định, lựa chọn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường và là giá trị không đổi trong suốt quá trình xây dựng và khai thác của dự án.
Tốc độ khai thác được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường và được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.
"Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn. Các cơ quan quản lý tuyến đường căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét, đánh giá và quy định cho phù hợp, đảm bảo điều kiện an toàn giao thông cho phương tiện trong quá trình khai thác", Cục Đường cao tốc cho hay.
Cục Đường cao tốc cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp từ tốc độ tối đa cho phép 80km/h lên tốc độ tối đa cho phép 90 km/h là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.
"Việc điều chỉnh này sẽ góp phần nâng cao tốc độ hành trình của phương tiện tham gia giao thông, nâng cao mức độ phục vụ của tuyến đường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác các đoạn tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các đoạn tuyến đi qua", Cục Đường cao tốc cho hay.