Sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng

TP - Hôm qua, tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng về hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường để duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này sơ bộ trị giá khoảng 29.000 tỷ đồng.
Sản xuất tại Cty May 40 (Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh

> Doanh nghiệp không vay được tiền cứ đến NHNN

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, đây không phải là gói kích cầu mà là các giải pháp tổng hợp từ điều hành vĩ mô, đến miễn, giảm, giãn thuế. Gói giải pháp này phải thực hiện đồng bộ trên bức tranh tổng thể về doanh nghiệp (DN).

Các giải pháp tới đây nếu được thực hiện sẽ tháo gỡ cho DN có khả năng phát triển nhưng đang khó khăn trước mắt. Chủ trương chung của Chính phủ là DN phải hoàn thiện cơ chế quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Đam, các giải pháp về miễn, giảm thuế phải trình QH quyết định. Dự kiến, Chính phủ có một nghị quyết riêng về vấn đề này và trình ra QH.

Miễn, giảm nhiều loại thuế, phí

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, gói giải pháp hỗ trợ DN thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại; tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Hỗ trợ phải đúng đối tượng, kịp thời đối với DN khó khăn.

Tính đến khả năng cân đối của ngân sách, tạo điều kiện về vốn cho DN; phối hợp tốt với chính sách tiền tệ để giảm lãi suất và chi phí đầu vào cho DN…

Các giải pháp hỗ trợ hướng đến DN vừa và nhỏ, gia công trong các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng kết cấu hạ tầng, bất động sản, cơ khí, xi măng, sắt thép.

Về thuế, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2012 đối với DN vừa và nhỏ, trừ các ngành kinh doanh tài chính, bảo hiểm, xổ số… Giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) của tháng 4, 5, 6 với thời hạn giãn 6 tháng cho tất cả DN.

Giảm 50% tiền thuê đất của tất cả DN, trong đó có cả DN thương mại và dịch vụ, chứ không chỉ DN sản xuất như hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy nhanh phân bổ, giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản để tiêu thụ xi măng, sắt thép đang tồn kho. Chính phủ cũng thông qua việc bổ sung thêm 1.000 tỷ cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, giao thông nông thôn.

Cho phép sử dụng phần kinh phí còn lại do tạm dừng mua sắm theo Nghị quyết 11. Những giải pháp này sẽ giúp DN bán được hàng tồn kho, mở rộng thị trường.

Giảm thu ngân sách 9.000 tỷ đồng

Sản xuất tại Cty May 40 (Hà Nội).  Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về tác động của gói giải pháp này đến thu ngân sách năm 2012, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, gói giải pháp này có giá trị tài chính 29.000 tỷ đồng, nhưng chỉ ảnh hưởng thu ngân sách năm 2012 là 9.000 tỷ đồng. Bởi, cho giãn thuế 6 tháng thì vẫn nộp trong năm 2012.

Trong đó, các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ đồng, gồm giãn thuế VAT 12.300 tỷ đồng, giãn thuế TNDN khoảng 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, miễn giảm thuế TNDN, thuế môn bài đối với hộ kinh doanh nhà trọ, hộ diêm dân trị giá 4.100 tỷ đồng.

Giảm 50% tiền thuê đất có giá trị 1.500 tỷ đồng. Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ 6 tháng giảm thu 3.200 tỷ đồng. Các giải pháp về chi tiêu liên quan 2.670 tỷ đồng.

Để bù đắp số giảm thu, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý nguồn thu để chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng giá dầu thô cũng sẽ bù bắp một phần giảm thu.

Ngoài ra, giảm thuế sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, hỗ trợ DN phát triển và sẽ có nguồn thu vào cuối năm 2012 và năm 2013.

Trả lời Tiền Phong về lộ trình tái cơ cấu ngân hàng có chậm không, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện có 5-8 ngân hàng đang trong quá trình sắp xếp và tái cơ cấu theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước.

Công việc này phức tạp bởi làm sao không gây xáo động thị trường, thiệt hại cho người gửi tiền, bất ổn cho nền kinh tế.

Lùi thu phí bảo trì đường bộ 6 tháng

Về đề án phu thí giao thông, ông Đam cho biết, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã trình đề án thu phí bảo trì đường bộ (theo Luật Giao thông đường bộ) lên Chính phủ.

Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan người dân trong khi thời hạn rất gấp vì dự kiến thu từ 1-6.

Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ hoàn thiện phương án, trong đó đánh giá tác động đời sống người dân, phương thức thu… có lộ trình và kế hoạch truyền thông để tạo sự đồng thuận.

Chính phủ yêu cầu lùi thời hạn thu 6 tháng và bắt đầu thu từ 1-1-2013. Đối với hai loại phí hạn chế phương tiện và phí vào trung tâm thành phố, Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ làm kỹ hơn, đánh giá tác động, điều kiện kỹ thuật, trình lại Chính phủ. Thủ tướng sẽ xem xét nếu thấy được mới trình ra Chính phủ. Chính phủ xem xét tiếp, nếu được mới trình ra QH.

Hai loại phí này chỉ thực hiện khi Ủy ban Thường vụ QH và QH thông qua. Hiện nay mới ở giai đoạn các bộ trình lên Thủ tướng.

Phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4- 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định, tinh thần chung là phải tiếp tục bám sát các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 9%, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Theo Thủ tướng, các mục tiêu trên hoàn toàn có cơ sở thực hiện, không phải là duy ý chí; đặc biệt dựa trên cơ sở khoa học về năng lực sản xuất, về thị trường, về vốn...

Theo Báo giấy