Đấu giá VNM thu về 9.000 tỷ- vượt kỳ vọng
Ngày 10/11, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức buổi đấu giá chào bán cạnh tranh 48,3 triệu cổ phần tương ứng với 3,33% vốn cổ phần của SCIC tại VNM.
Cuộc đấu giá có sự tham gia của 19 nhà đầu tư, trong đó có 6 NĐT tổ chức nước ngoài, 5 NĐT tổ chức trong nước và 8 NĐT cá nhân trong nước. 19 nhà đầu tư đặt mua hơn 78,8 triệu cổ phiếu, gấp đôi số lượng chào bán. Cuối cùng, mức giá đặt mua lên đến 186.000 đồng/cổ phiếu, một nhà đầu tư đã bứt lên “hốt” trọn lô cổ phiếu này. SCIC thu về gần 9.000 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước, khoản tiền kỷ lục vượt xa dự báo trước đó tới gần 2.000 tỷ đồng.
Đến sáng 13/11, “danh tính” nhà đầu tư ngoại mới lộ diện khi tập đoàn Singapore Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) chính thức thông báo họ đã mua vào 80,29 triệu cổ phiếu, tương đương 5,53% cổ phần của Vinamilk cả trên sàn chứng khoán và số cổ phiếu bán ngày 10/11. JC&C thực ra không phải là cái tên xa lạ, bởi công ty này đang là cổ đông lớn của hàng loạt doanh nghiệp tiếng tăm trên thị trường Việt Nam như Thaco Trường Hải, Công ty Cơ điện lạnh REE. Tuy nhiên, đây là lần đầu họ tiến công vào thị trường sữa Việt.
Vì sao phiên đấu giá VNM thành công và có thể mang về khoản tiền lớn cho Nhà nước vượt kỳ vọng đến vậy? Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, sự thành công này đến từ các yếu tố cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Theo ông Chi, “đầu tiên kể đến Vinamilk luôn là một doanh nghiệp tốt có kết quả kinh doanh hấp dẫn. Kế đó, SCIC đã có kinh nghiệm và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư tham gia. Mức giá đấu cũng đuợc liên danh tư vấn (gồm: UBS AG - Chi nhánh Singapore và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn) đưa ra tư vấn rất hợp lý. Cùng đó, đây là thời điểm rất thuận lợi của thị trường trong bán vốn”, ông Chi nói.
Vì sao nhà đầu tư sẵn sàng bỏ giá chênh tới cả ngàn tỷ đồng ra mua lô lớn của Vinamlik như kể trên? Một đại diện của SSI trong liên danh tư vấn bán vốn phân tích thêm: Việc tìm được đối tác “xịn” có tiền và có tiềm năng như JC&C thực sự là một thành công trong thương vụ thoái vốn này. “Họ biết giá trị của Vinamilk và họ là nhà đầu tư có tiềm năng thực sự”, vị này nói.
Sẽ đến những doanh nghiệp nào?
Hiện, Chính phủ đang thực hiện đẩy mạnh thoái vốn khỏi một số công ty lớn nhất nước. Sau VNM, lãnh đạo SCIC cho biết, từ nay đến cuối năm, SCIC sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại TPHCM và Hà Nội cho các đợt chào bán cổ phần doanh nghiệp tiếp theo.
Những doanh nghiệp nào nằm trong danh mục Nhà nước sẽ thoái vốn? Theo lãnh đạo SCIC, tiếp theo sẽ là Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG). Cụ thể, vào ngày 16/11 tới, SCIC tổ chức buổi giới thiệu cơ hội tại đầu tư 96,25 triệu cổ phiếu, tương đương 21,7% vốn điều lệ VCG. Ngoài ra, SCIC dự kiến tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư và hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp khác như FPT, Nhựa Tiền phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP)….
Theo công bố trước đó, năm 2017, SCIC dự kiến sẽ rút vốn Nhà nước khỏi 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, SCIC mới chỉ thoái được ở 20 doanh nghiệp. Áp lực thoái vốn trong quý 4 năm 2017 là rất lớn. Tại phiên họp về cổ phần hoá lần gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo : “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”. Cùng đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn DN.
“Nhà đầu tư tổ chức đang rất săn lùng những doanh nghiệp nhà nước hấp dẫn có kế hoạch thoái vốn. Không chỉ VNM mà những cái tên tiếp theo mang thương hiệu Việt đang làm nóng thị trường vốn hơn bao giờ hết. Đơn cử như giới đầu tư đang săn lùng danh mục và lộ trình thời điểm thoái vốn nhà nước khỏi Traphaco, Dược Hậu Giang hoặc 36% vốn nhà nước còn lại ở VNM hiện chưa được công bố cụ thể”, giám đốc khối phân tích một công ty chứng khoán chia sẻ.
Việc các doanh nghiệp cũ trên sàn như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Hòa Phát…tăng trưởng mạnh về quy mô trong những năm qua, cũng như có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn trong những năm gần đây như Sabeco, Habeco, Vietjet Air, Petrolimex… đã giúp vốn hóa thị trường chứng khoán tăng vọt tương ứng gần 60% GDP. Theo tính toán, hiện Vinamilk vẫn giữ ngôi vị “quán quân” với mức vốn hóa lớn nhất thị trường: 229 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD.