Sau Anh và Mỹ, Đan Mạch là nước tiếp theo nhận đào tạo phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16

TPO - Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết sẽ giúp đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16, sau khi Mỹ bày tỏ ủng hộ sáng kiến ​​này.

Troels Lund Poulsen, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch trong một tuyên bố hôm thứ Sáu cho biết, sau quyết định của Mỹ về việc ủng hộ nỗ lực chung của các đồng minh và đối tác về việc huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16, Đan Mạch sẽ ưu tiên hợp tác với các đồng minh hỗ trợ kế hoạch này.

Ông Poulsen nhấn mạnh: "Các quốc gia trong liên minh lên kế hoạch huấn luyện binh sĩ Ukraine trong tháng tới và vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng một số nước tại Warsaw vào thứ Hai tuần tới".

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Poulsen cũng xác nhận rằng, Đan Mạch sẵn sàng thảo luận về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng hiện tại, vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự.

Đầu tuần này, Vương quốc Anh công bố thành lập một liên minh quốc tế nhằm đào tạo các phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16.

Ngày 19/5, Nhà Trắng cũng xác nhận Tổng thống Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc Washington ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng các loại chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16.

F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. F-16 được thiết kế để có thể thực hiện được cả các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.

F-16 được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-PW-200, lực đẩy tối đa 106 kN có đốt sau. Động cơ này giúp F-16 đạt tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km.

Tiêm kích này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.

Theo Pravda