TS Nguyễn Hải Nam - Trưởng khoa Hóa dược - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong nhiều nghiên cứu cho thấy Arbidol có hiệu quả điều trị cao hơn và tỷ lệ kháng thuốc cũng thấp hơn so với một số thuốc khác.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Arbidol (Fludon H1) có độc tính thấp khi dùng đơn liều; Thử nghiệm với liều cao kéo dài, Arbidol (Fludon H1) cũng không gây ra đột biến hoặc độc tính với bào thai động vật.
Đánh giá lâm sàng trên nhóm bệnh nhân dùng Arbidol (Fludon H1) với liều điều trị từ 20 - 25 ngày không cho thấy sự khác biệt nào ở các cơ quan nội tạng so với nhóm dùng mẫu trắng. Điều này chứng tỏ thuốc có độ an toàn cao.
Arbidol được các nhà khoa học Nga nghiên cứu từ năm 1973 và được cấp phép lưu hành tại nhiều quốc gia. Một số quốc gia đã chọn Arbidol trong phác đồ điều trị cúm A/H1N1.
Trong 160 nghiên cứu lâm sàng độc lập từ năm 2002 đến năm 2005 trên chủng cúm A và B cho thấy tất cả các chủng virus thí nghiệm đều nhạy cảm với Arbidol (Fludon H1).
Thống kê trên thực tế lâm sàng suốt 15 năm với Arbidol (Fludon H1) cũng không phát hiện ra trường hợp virus cúm kháng Arbidol (Fludon H1).
Theo TS Nguyễn Hải Nam, chế phẩm là thuốc kháng virus, có hoạt tính điều chỉnh miễn dịch và kháng cúm, đặc biệt là kháng cúm nhóm A và B cũng như hội chứng suy hô hấp cấp (SARS).
Thuốc ngăn chặn virus tiếp xúc và xâm nhập vào tế bào người bằng cách ngăn cản sự kết hợp màng lipid của virus vào màng của tế bào.
Thuốc có tác dụng giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại các lây nhiễm, làm giảm tần số biến chứng có liên quan đến các bệnh lây nhiễm virus và giảm bớt các hậu quả của bệnh nhiễm khuẩn mạn tính.
Với các bệnh lây nhiễm virus, tính hiệu quả điều trị được thấy ở mức độc tính thấp, giảm bớt các triệu chứng lâm sàng, và rút ngắn thời gian điều trị.
Hiện Arbidol được xếp vào nhóm thuốc ít độc nhất (LD50 > 4g/kg). Thuốc không cho thấy các phản ứng phụ trên người khi uống hàng ngày với liều đã khuyến cáo. Thuốc được chỉ định điều trị dự phòng cho người lớn và trẻ em trong một số trường hợp.
Việc sử dụng Arbidol (Fludon H1) vào điều trị cúm A/H1N1 sẽ giúp cho ngành Y tế có thêm lựa chọn điều trị cho các trường hợp virus kháng Tamiflu.
Khi được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, đây sẽ là loại thuốc đầu tiên của Việt Nam có tác dụng kháng lại virus cúm H1N1, H5N1, SARS.
Thuốc sẽ được thử nghiệm độ an toàn và hiệu quả lâm sàng trên người Việt Nam trước khi lưu hành. Dự kiến đầu năm 2010 thuốc sẽ có mặt trên thị trường với giá thành sẽ rẻ hơn hơn Tamiflu khoảng 4,5 lần.
* Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho ý kiến chính thức về 1,2 triệu liều vaccine phòng cúm A/H1N1 (hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) tài trợ cho Việt Nam thông qua WHO) vì vừa qua tại Canada hai lô vaccine cúm A/H1N1 của hãng GSK sản xuất đã bị đình chỉ vì nghi ngờ về chất lượng.
Bộ Y tế đề nghị WHO chuyển lô vaccine viện trợ hoặc đổi vaccine khác để đảm bảo an toàn.
Thời gian qua, Bộ Y tế nhận được phản ánh của một số bệnh viện về thuốc Tamiflu khó dùng cho trẻ em vì phải bẻ viên thuốc ra nên không chính xác về liều lượng. Để giải quyết vấn đề này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã đặt mua một triệu viên Tamiflu cho trẻ em với hàm lượng 30mg.