> Bài học từ thời vỡ quỹ tín dụng
Lãi suất giảm nửa với
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho rằng, dù lãi suất đã được chỉ đạo giảm, nhưng ở Cần Thơ, số lượng doanh nghiệp (DN) được giảm lãi vay chỉ chiếm 2% - 5%.
Khó khăn khiến 1/3 số DN trên địa bàn phá sản, 1/3 đang giảm công suất, thậm chí có nguy cơ vỡ nợ dây chuyền do mất cân đối về tài chính. Trong đó nguy nan nhất là các DN sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Ông Toại đề nghị Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng kiểm tra các NH trong việc thực hiện chỉ đạo về giảm lãi suất. “Khi chúng tôi hỏi, nhiều NH đều trả lời việc giảm lãi suất phải xem xét cân đối nguồn vốn, tình hình kinh doanh chứ không phải cứ muốn là giảm”- ông Toại nói.
Bà Quách Tố Dung - Phó GĐ Sở Công Thương TP.HCM, cho biết chủ trương giảm lãi suất cho vay của NHNN thực tế không diễn ra như mong đợi của DN. Nhiều NH công bố giảm lãi suất nhưng DN vẫn rất khó vay, hoặc chỉ vay được trong ngắn hạn, từ 1 - 3 tháng.
Bà Dung cũng cho biết tại TP.HCM có khoảng 4.200 DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ phía NH với 21.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa NH và DN vẫn còn rời rạc.
Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, ông Lê Phước Vũ cũng cho rằng lãi suất có động thái giảm nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu và tình hình thực tế khó khăn của DN.
Theo ông, lãi suất không chỉ dừng lại ở mức 15%/năm như hiện nay mà cần nhanh chóng giảm thêm 5 - 7% nữa. Nếu chậm giảm lãi suất, DN sẽ chết và NH cũng chết theo.
Ngoài lãi suất, các DN cũng kiến nghị cần xem xét giảm thêm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, môi trường,… Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị giữ nguyên chính sách ân hạn thuế 275 ngày cho các lô hàng tạm nhập tái xuất.
Thủ tục hành chính rườm rà trong hoàn thuế cũng khiến DN phiền não: “Một bộ hồ sơ 10.000 USD muốn hoàn thuế phải mất 8 ngày công làm giấy tờ. Rồi còn chờ đợi nữa”-ông Thuấn than vãn.
Cần “phao” thị trường, thể chế
Các DN cho biết đang cực kỳ khó khăn về thị trường đầu ra do suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh. Do vậy, họ rất cần Nhà nước hỗ trợ công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường trong lẫn ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, TGĐ Saigon Co.op cho rằng, nhà nước cần quan tâm đầu tư cả chính sách lẫn ngân sách để phát triển kênh phân phối hàng Việt đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.
“Đây là địa bàn phân phối rất tốt, nhiều tỉnh có quan tâm và đề nghị Saigon Co.op mở kênh phân phối, tuy nhiên, khi đưa vào bài toán kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì không thể triển khai”- bà Hạnh nói.
Về xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Toại cho rằng Bộ Công Thương cần xây dựng chiến lược xuất khẩu cho từng ngành với hành lang pháp lý công khai, rõ ràng: ai được xuất, chất lượng hàng hóa, giá cả,…ra sao.
DN nào không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ bị cấm xuất khẩu. Theo ông Toại, mục tiêu của việc này là nhằm tránh lặp lại “vết xe đổ” như cá tra.
Đây là mặt hàng xuất khẩu độc quyền của Việt Nam nhưng do tranh giành thị trường, cạnh tranh không lành mạnh khiến DN trong nước luôn bị đối tác nhập khẩu ép giá.