Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc:

Sân golf trá hình - Trách nhiệm người cấp đất

TP - “Đừng nói trách nhiệm ở ai, trách nhiệm chính là ở người cấp đất, ai cấp đất thì trách nhiệm ở đó! 145 sân golf đã được cấp đất còn cấp giấy phép đầu tư thì chỉ có 84”- Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình).
Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ giữ lại 116 sân golf. Trong ảnh: Sân golf ở Chí Linh, Hải Dương Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc

Truy vấn chuyện loạn sân golf, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung (đại biểu Tỉnh Thái Bình) nói rằng, tại kỳ họp Quốc hội một năm trước ông  đã chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về sân golf, lúc đó mới có 139 dự án sân golf, chiếm khoảng 50.000 ha đất.

Trong số đó Chính phủ cấp 38 sân, và Bộ trưởng Phúc hứa sẽ quy hoạch và chấn chỉnh lại, nhưng đến nay tình hình lại xấu thêm, sân golf  lên đến 166 dự án, một số tỉnh có 19 dự án. Lợi dụng sân golf để lấy đất kinh doanh bất động sản. Tất cả sân golf còn chưa có quy hoạch tổng thể, chưa có quy hoạch đất đai mà đã được cấp phép.

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng việc cấp phép như vậy có vi phạm Luật Đất đai? Ai vi phạm? Xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Tôi đề nghị Bộ trưởng cung cấp danh sách sân golf kỳ họp trước, kỳ họp này và kỳ họp tới để chúng tôi theo dõi và giám sát đến cùng vấn đề này”-Ông Dung chất vấn.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói ông vẫn nhớ đã hứa với đại biểu Lê Quốc Dung  phải tổng rà soát và làm quy hoạch sân golf, và bây giờ nhiệm vụ đó đã xong. Ông Phúc cũng lý giải, suốt 14 năm chỉ cấp 33 giấy phép sân golf, nhưng từ khi phân cấp cho địa phương thì nhảy vọt lên là 166, mà phân cấp mới có hơn hai năm. Trước đây, thủ tục để có được một sân golf là rất chặt chẽ, nhưng từ khi phân cấp thì nó lỏng lẻo và địa phương triển khai ồ ạt.

“Trong 166 sân golf thì 145 sân golf được cấp đất, còn cấp giấy phép đầu tư mới chỉ có 84. Tức là đất cấp trước, giấy phép đầu tư cấp sau, trình tự thủ tục của Luật Đầu tư là như vậy. Cho nên, đừng nói trách nhiệm ở ai, trách nhiệm chính là ở người cấp đất, ai cấp đất là trách nhiệm ở đó. Anh nào cấp giấy phép đầu tư thì chịu trách nhiệm về cấp phép đầu tư”-Bộ trưởng Phúc nói.

Kích cầu-không nhằm người giàu

Năm tháng đầu năm 2009, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 34.800. Hiện cả nước có 412.000 doanh nghiệp, trong đó số đang nộp thuế tại địa phương là 345.000. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động trên số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh là 83 phần trăm- đây là một con số tốt so với các nước.

(Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc)

Về gói kích cầu của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) lo ngại việc thực hiện với quy mô 145.000 tỷ đồng (tương đương 10 phần trăm GDP), liệu có phù hợp khả năng dung nạp của nền kinh tế? Giải đáp lo ngại trên, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, gói kích cầu thực chất bỏ ra chỉ một tỷ USD (17.000 tỷ đồng) để hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra số còn lại là vốn của năm 2008 chuyển sang, cho ứng của năm 2010 đưa về, cho tạm hoãn nợ và một phần nữa là vốn để hỗ trợ cho người nghèo và khả năng thực hiện của năm 2009. Con số thực hiện của năm tháng đối với vốn kích cầu hỗ trợ lãi suất thực hiện khá cao, đến ngày 10/6 dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng là 336.000 tỷ đồng. Cho nên, khả năng dung nạp của nền kinh tế là được.

Ông Phúc cũng cho biết khi đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong gói kích cầu của Chính phủ có tính đến một triệu hộ có đóng thuế thu nhập để kích cầu. “Đương nhiên, một bộ phận dân cư có thu nhập cao, cho nên Chính phủ không nhằm vào những người giàu để hỗ trợ. Đây là nhìn nhận ở khía cạnh các hộ kinh doanh cá thể để xử lý”- Ông Phúc khẳng định.