Hết cảnh chờ cất, hạ cánh
Là thương gia thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không, ông Tiến (56 tuổi, ngụ TPHCM) vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt cao điểm, chuyến bay của ông phải lòng vòng trên trời cả chục phút mới đáp xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) hoặc những lần máy bay đã rời bãi đỗ và “nhích từng đoạn” trên đường lăn vì phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh. Chuyện máy bay chờ đáp xuống, chờ cất cánh… trở nên thường xuyên hơn kể từ ngày 1/7/2020 khi sân bay TSN đóng cửa đường cất hạ cánh 25R/07L để sửa chữa, nâng cấp, chỉ còn khai thác đường băng còn lại khiến tần suất khai thác của sân bay TSN từ 44 chuyến/giờ giảm còn 30 - 32 chuyến/giờ.
“Kể từ ngày đường băng mới được đưa vào khai thác trở lại, tôi bay gần chục chuyến từ TPHCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc … (và ngược lại) thì chưa có chuyến nào phải bay lòng vòng hoặc chờ quá lâu mới được cất cánh như trước”, ông Tiến cho hay.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không Quốc tế TSN được đưa vào khai thác giai đoạn 1 ngày 10/1. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, công trình được khởi công cuối tháng 6/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ, trong bối cảnh đường cất hạ cánh của sân bay TSN (và cả sân bay Nội Bài) xuống cấp ngày càng nghiêm trọng do khai thác quá tần suất và tiếp nhận nhiều loại máy bay tải trọng lớn, liên tục trong suốt một thời gian dài. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đường băng 25R/07L và 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 đã được nâng cấp, đảm bảo kích thước, độ dốc rộng và độ dốc cao vượt tiêu chuẩn đề ra. Sức chịu tải mặt đường băng, đường lăn đáp ứng tải trọng máy bay code E (Boeing 787, Boeing 777X). Công trình kịp hoàn thành nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm trước và sau Tết Tân Sửu.
“Sân bay có 2 đường băng cùng khai thác thì phương án điều hành, điều phối khai thác sẽ dễ lựa chọn và nhịp nhàng hơn, giảm được thời gian máy bay phải chờ đến lượt cất, hạ cánh”, ông Thắng nói. Ông cho biết, đường băng 25R/07L đưa vào khai thác đã nâng tần suất phục vụ của sân bay TSN lên 44 chuyến/giờ như trước.
GS.TSKH Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia hàng không) cho biết, khi sân bay cùng khai thác 2 đường cất - hạ cánh, nếu xảy ra sự cố khiến một đường băng phải đóng tạm để xử lý thì vẫn còn đường băng thứ hai để khai thác, tránh tình trạng sân bay ngưng khai thác như trường hợp máy bay đáp xuống bị chệch đường băng khiến sân bay TSN phải ngừng khai thác trong 6 giờ như vừa qua.
Lo tắc đường, trễ chuyến bay…
Sân bay TSN quy hoạch đến năm 2020 công suất 25 triệu lượt khách mỗi năm, nhưng từ năm 2017 đã đón gần 40 triệu lượt. Sân bay lại chỉ có một lối ra vào duy nhất là đường Trường Sơn nên khu vực này thường bị ùn tắc, kẹt xe, ảnh hưởng nhiều tuyến đường gần đó như Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ... Mỗi khi đến dịp cao điểm lễ, Tết, tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra khiến TPHCM phải thành lập các đội phản ứng nhanh để xử lý. Tuy nhiên, tình trạng hành khách trễ chuyến bay do tắc đường vẫn xảy ra khá phổ biến.
Để giảm ùn tắc, Sở GTVT TPHCM đã triển khai 6 dự án nhằm nâng cao năng lực hệ thống giao thông kết nối với sân bay TSN, trong đó cầu vượt thép trên đường Trường Sơn (trước cổng sân bay) với kinh phí 242 tỷ đồng đã hoàn thành tháng 7/2017. Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám với tổng kinh phí 504 tỷ đồng đến đầu năm 2019 mới hoàn thành. Ngoài ra, dự án mở đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh) với tổng vốn hơn 166 tỷ đồng cũng đã được mở rộng, kết nối với cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, giúp xe đi từ quận 12, Gò Vấp vào trung tâm thành phố và ngược lại thuận tiện hơn trước.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, 3 dự án đã hoàn thành góp phần giảm áp lực giao thông ở khu vực sân bay TSN nhưng vấn đề ùn tắc chưa được giải quyết triệt để. Áp lực càng lớn hơn khi sân bay này phải xây dựng thêm nhà ga T3, dự kiến hoàn thành giữa năm 2023 để nâng công suất khai thác lên 50 triệu lượt khách/năm. Vì vậy, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ 3 dự án còn lại, gồm: Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa); mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài và cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa bị thắt cổ chai nên thường xuyên gây kẹt xe ở nút giao Lăng Cha Cả.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), cho biết, cả 3 dự án trên được phê duyệt từ lâu nhưng vướng mặt bằng nên chưa thể triển khai. Cụ thể, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dài 4,4 km đã được điều chỉnh quy mô đầu tư mặt đường rộng 20-22m cho 4 làn xe lưu thông lên 29,5- 48m cho 6 làn xe lưu thông với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng. Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài hơn 780 m, rộng 22 m được phê duyệt vào tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng. Còn dự án cải tạo và mở rộng đoạn đường Cộng Hòa dài 134 m đã được duyệt cách đây hơn 5 năm với kinh phí gần 142 tỷ đồng. UBND quận Tân Bình đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa xong… Dự kiến sau khi được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng trong quý 4/2021, các dự án này sẽ được tập trung thi công và hoàn thành sau 6 tháng.
2 dự án “giải vây” cho cửa ngõ phía bắc sân bay cũng vướng mặt bằng
Theo đại diện chủ đầu tư, hai dự án khác nhằm giải quyết ùn tắc khu vực phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý và mở rộng đường Trường Chinh, cũng bế tắc do vướng mặt bằng từ năm 2018 đến nay. Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý dài 644,5m, rộng 30m, cho 6 làn xe. Dự án mở rộng đường Trường Chinh dài 904m, rộng 60m, cho 10 -12 làn xe lưu thông.