Kể lại “nhân duyên” ra đời ca khúc “Tình yêu trên đỉnh Pò Hèn”, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Thị Huyền Ngọc kể: Tháng 3/2020, hai bài hát “Vì nơi ấy có anh” và “ Nếu anh không về” chị viết để tri ân những người lính trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ khán giả, người thân và những người đồng đội nơi biên cương Tổ quốc.
Một trong những đồng đội của Trung tá Huyền Ngọc là Thượng uý quân nhân chuyên ngiệp Nguyễn Quốc Toàn, nhân viên Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) đã đề nghị chị viết một tác phẩm về Pò Hèn - địa danh khốc liệt trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 ở vùng biên giới Móng Cái.
Năm đó, nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm thường xuyên vượt 30km đường rừng để chuyển hàng lên điểm cao biên giới và cô đã gặp Thượng sỹ Bùi Văn Lượng, cán bộ vận động quần chúng của Đồn Công an vũ trang 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn). Họ đã quen nhau trong các buổi tập bóng chuyền và tập văn nghệ. Tình yêu đến với họ một cách tự nhiên như hương quế lan tỏa trên núi rừng Pò Hèn. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 209 coi chị Chiêm như một thành viên của đồn.
Chiều 16/2/1979, Hoàng Thị Hồng Chiêm nhận lệnh của cửa hàng trưởng lên dọn dẹp một số hàng ở kho và nhân tiện ghé qua đồn thăm người yêu. Rạng sáng hôm sau (17/2/1979), quân Trung Quốc bất ngờ xâm lược dải đất biên cương phía Bắc Tổ quốc.
Lúc này, cùng với tinh thần bám trụ, quyết tử của quân dân biên giới và Đồn Pò Hèn, Hoàng Thị Hồng Chiêm đã kiên cường, anh dũng đánh địch khi trong tay chỉ có một khẩu CKC và hai quả lựu đạn. Lời hẹn ước về một đám cưới đã mãi mãi không thành hiện thực khi Thượng sỹ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hy sinh với nhiều đồng chí, đồng đội…
“Niềm khâm phục và cảm xúc bi tráng trào dâng, tháng 7/2020, tôi đã đặt bút viết về câu chuyện này trong thời gian một ngày và lấy tên tác phẩm là “Tình yêu trên đỉnh Pò Hèn”.
Khi gửi demo tôi hát qua điện thoại cho Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Vi Hoa (Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng) nghe, chị đã rất xúc động và cảm nhận được những cảm xúc mà tôi viết và nhận lời thu âm cho tác phẩm này. Khi dựng MV, bằng cảm xúc và sự chân thành của mình để tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, tôi đã không phối khí mà tự đệm piano cho chị Vi Hoa hát”, Trung tá Huyền Ngọc chia sẻ.
Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc hiện là nhân viên Nhà Văn hóa (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng). Đam mê nghệ thuật và âm nhạc, chị đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, chị đã sáng tác 3 ca khúc “Vì nơi ấy có anh”, “Nếu anh không về” và “Lời ru nơi tuyến đầu” được lan tỏa tích cực trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội.
Sau đó, Trung tá Huyền Ngọc xin phép chỉ huy đơn vị cho chị đi công tác đến Pò Hèn để hoàn thiện MV này vào đúng dịp tri ân các Anh hùng Liệt sĩ 27/7/2020. Tại đây, chị đã may mắn được gặp cựu chiến binh Hoàng Như Lý - nguyên là chuẩn úy, trinh sát của Đồn 209 Pò Hèn năm xưa.
“Chú Hoàng Xuân Lý cũng chính là bạn thân của Thượng sỹ Bùi Văn Lượng và nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm. Chú là người đã kết nối hai gia đình liệt sỹ để tổ chức đám cưới cho hai di ảnh về chung một nhà. Chú Lý đã đưa tôi đến thăm và thắp hương nơi thờ hai di ảnh liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm. Đó là chuyến công tác rất ý nghĩa với tôi, trước khi tôi cho ra mắt MV tác phẩm này đến với công chúng", Trung tá Huyền Ngọc tâm sự.
Khu tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái) được khởi công tôn tạo ngày 19/5/2010 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhật Bác. Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, nổi bật là Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc.
Ở hai bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979; tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 Liệt sĩ, gồm có nữ Liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.