Việc giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Bình Thuận miệt mài cầm sổ đỏ đi bán dạo trên vỉa hè khắp các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ khiến người dân và trong giới bất động sản xôn xao. Tưởng đây đây chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng ngày càng lan rộng ra các địa phương khác và trên các diễn đàn mạng xã hội và TikTok.
Không chỉ bày bán sổ đỏ ra vỉa hè với giá rẻ, các lãnh đạo sàn còn đua nhau chia sẻ những thủ thuật “dụ” người mua bất động sản vào thời điểm này.
Ông Lê Gia Đông - Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Hải Dương - cho rằng, khi tham gia mua bán bất động sản cần theo quy luật: "Khi người người nhà nhà đi mua đất, đến bà bán vé số cũng làm cò đất là lúc ta bán ra. Còn khi người người gom tiền gửi tiết kiệm là lúc ta mua vào. Khi bộ phận một cửa, văn phòng công chứng đông như quân nguyên, phải đi từ 1-2h sáng để nộp hồ sơ cũng là lúc ta bán ra".
Cũng theo ông Đông, có một số bí quyết khác cần thuộc là: Khi một cửa, văn phòng công chứng vắng như chùa bà Đanh là lúc nhà đầu tư cần mua vào. Ngoài ra, khi báo chí liên tục đưa tin tích cực về bất động sản là lúc cần bán ra. Còn khi liên tục đưa tin tiêu cực về bất động sản lại là lúc mua vào. Khi ngân hàng bơm tín dụng bất động sản là lúc bán ra...
Trao đổi với báo chí về trào lưu bán rong sổ đỏ trên vỉa hè, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng đó chỉ là hành động tự phát của các cá nhân, không một môi giới bất động sản chuyên nghiệp nào lại đi bán đất theo hình thức như vậy. Đây không phải là một xu hướng đại diện cho thị trường bất động sản hiện nay. Ông Đính đặt nghi vấn, ẩn sâu bên trong vấn đề này có thể là chiêu trò tạo sự chú ý và nhiều nơi bày bán không biết có thật hay không?
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thêm, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thanh khoản rất kém nên nhiều môi giới không thể bán được hàng trong suốt một quãng thời gian dài. Trong lúc này, những người môi giới còn yêu nghề nên chuyển sang một loại hình bất động sản khác có tính thanh khoản tốt hơn. Hoặc môi giới có thể làm một công việc khác và tranh thủ khoảng thời gian này để trau dồi kiến thức, hoàn thiện kỹ năng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho hay, thị trường địa ốc hiện gặp rủi ro thanh khoản giảm sâu, có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái.
"Có không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản và phải thực hiện các biện pháp đau đớn để tồn tại", ông Châu nói.
Theo đánh giá của ông Châu, với những khó khăn trong năm nay, nhiều khả năng năm 2023 có nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu kịch bản này diễn ra sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản khó khăn, việc các sàn dùng chiêu trò bán bất động sản địa phương phải kiểm tra lại xem việc bán có đúng hay là lừa đảo?