Răng khôn mọc lệch

TP - Hỏi: Em năm nay 22 tuổi. Vừa tốt nghiệp Đại học Thương mại Hà Nội, tự nhiên em thấy đau ở hàm. Khi khám bác sĩ nha khoa bảo em bị răng khôn mọc lệch. Có người nói phải nhổ đi, có người nói không nên nhổ vì có thể nguy hiểm.

Phùng Mạnh Trí - SV Trường Đại học Thương mại Hà Nội

Trả lời: Răng khôn (răng số 8 hay răng hàm lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng, thông thường mọc khi người từ 17 đến 25 tuổi. Nếu người ở độ tuổi 23 – 25 mà chưa nhìn thấy răng khôn của mình mọc lên hoặc chỉ nhìn thấy một phần của răng, gần như chắc chắn là răng khôn của bạn đã mọc lệch.

Đây là chiếc răng gây nhiều tranh cãi bởi vì chức năng của nó không rõ ràng nhưng những phiền toái mà nó mang lại rất phổ biến như: Sâu răng; Viêm lợi; đặc biệt là hủy hoại xương và răng xung quanh.

Trong một số trường hợp khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Xử lý thế nào

Nghiên cứu cho thấy răng khôn mọc lệch gây các tai biến chiếm tỷ lệ khoảng 20 % các bệnh về răng hàm mặt.

Việc điều trị răng khôn mọc lệch giai đoạn sớm không có gì khó khăn. Bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng kháng sinh, cắt lợi trùm để cho răng mọc lên dễ dàng.

Chỉ những trường hợp quá đau đớn hoặc gây tai biến mới phải nhổ. Nhổ răng số tám sẽ bảo trì được răng số bảy và các răng khác.

Để phòng ngừa các tai biến khi mọc răng khôn, ngoài việc giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách, ngay từ khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên được sáu tháng, cần cho trẻ làm quen với việc khám răng định kỳ, thường xuyên sáu tháng một lần.

Khi trẻ được 12 – 15 tuổi, tức là trước khi răng khôn nhô ra khỏi lợi, cần đi khám và chụp X quang hàm răng để phát hiện mầm răng.