Giới chuyên môn từ lâu đã đánh giá cao những tố chất của Nguyễn Huy Hoàng, trong đó đặc biệt là sức vươn, được xác định cao hơn cả đàn anh Hoàng Quý Phước, cùng độ tuổi.
Sinh năm 2000 trong một gia đình gồm 6 anh em và là con út, từ nhỏ Huy Hoàng đã quen với việc bơi lội. Nhà Huy Hoàng ở xã Tiến Hoá (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình). Nhà gần sông Gianh, bố mẹ làm nghề chài lưới nên từ nhỏ, cậu bé đã quen với sống nước. Khả năng bơi lội có từ trong máu, được bồi đắp thêm trong mỗi lần Huy Hoàng theo cha kiếm rong cho cá trên sông Gianh. Kể về con trai, bà Nguyễn Thị Học bảo, từ nhỏ Huy Hoàng đã sớm tỏ ra là đứa bé siêng năng, chịu khó. Có lẽ mảnh đất Quảng Bình nắng gió đã hun đúc nên những con người, sinh ra đã có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Nguyễn Huy Hoàng là một cậu bé như thế.
Bước ngoặt đến vào năm 2011, khi Huy Hoàng tham dự Hội khoẻ Phù Đổng tỉnh và lập tức lọt vào “mắt xanh” của những nhà tuyển trạch môn bơi lội. Sau đó là một chuỗi thay đổi xảy ra đối với cậu bé sông Gianh. Huy Hoàng được đưa vào lớp năng khiếu tỉnh, rồi tiếp tục được chuyển qua Trung tâm TDTT TP Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, Nguyễn Huy Hoàng đầu quân cho Cần Thơ nơi tới nay cậu tập luyện dưới sự huấn luyện của chuyên gia Huang Guohui (Trung Quốc) và HLV Hoàng Vũ. Ít người biết rằng, ông Huang Guohui là người từng dẫn dắt một kình ngư từng rất nổi tiếng của Việt Nam, Nguyễn Hữu Việt.
Theo chia sẻ của Nguyễn Huy Hoàng, HLV Hoàng Vũ là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ về chuyên môn của anh khi tập luyện tại Cần Thơ. Sức bền, thể lực của Huy Hoàng đã tiến rất nhanh, đủ để giúp anh chinh phục những cự li dài ở môn bơi lội.
Từ năm 2015-2017, Nguyễn Huy Hoàng tham dự một loạt giải đấu cả trong nước lẫn quốc tế và đều đạt các thành tích rất cao. Điển hình như ở giải bơi lội trẻ Đông Nam Á 2015 do Đà Nẵng đăng cai, Huy Hoàng đoạt tới 5 HCV, trong đó có 4 kỷ lục dù mục tiêu ban đầu đặt ra cho anh chỉ là 1 bộ huy chương (1HCV, 1 HCB, 1 HCĐ). Giới chuyên môn lập tức nhận ra những phẩm chất ưu tú của anh. Ngay sau giải đấu trên, Huy Hoàng được đặc cách “đi” thẳng vào ĐTQG, tập huấn tại TP Hồ Chí Minh.
Nhưng ngay cả khi giành huy chương ở SEA Games 2017, cái tên Nguyễn Huy Hoàng chỉ được nhắc tới sau thành tích đoạt HCB tại Asiad 2018 cự li 1.500m tự do với thành tích 15’01’’63. Kình ngư Quảng Bình chỉ chịu thua kỷ lục gia thế giới người Trung Quốc Sun Yang. Cũng tại Asiad 2018, Nguyễn Huy Hoàng còn đoạt 1 HCĐ cự li 800m tự do với thời gian 7’54’’32. Phong độ toả sáng của Huy Hoàng đã giúp bơi lội Việt Nam khoả bớt nỗi buồn thất bại mang tên Nguyễn Thị Ánh Viên.
Bước dài đến Olympic
Chỉ ít tháng sau Asiad 2018, Nguyễn Huy Hoàng tiến thêm một bước mới khi ở Thế vận hội trẻ tổ chức tại Argentina, anh đoạt HCV cự li 800m tự do với thành tích 7’50’’20. Nếu so với Asiad 2018 trong vòng chỉ chưa đầy 2 tháng, Huy Hoàng đã rút ngắn thời gian cự li 800m tự do của mình xuống hơn 4 giây! Đây là con số khiến giới chuyên môn phải sửng sốt. Ông Dương Đức Thuỷ, Trưởng bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) cho biết, để rút ngắn chỉ vài % giây ở môn điền kinh vô cùng khó khăn. Đối với bơi lội thì đây càng là một thử thách lớn.
Thành tích trên của Nguyễn Huy Hoàng đã vượt qua chuẩn A Olympic Tokoyo 2020 (7’54’’31) dù phải sang năm 2019, vòng loại Thế vận hội 2020 mới bắt đầu. Từ nay đến thời điểm trên, Nguyễn Huy Hoàng còn thời gian để tiếp tục cải thiện thành tích chuyên môn. Điều đặc biệt, dường như kình ngư Quảng Bình vẫn chưa phát triển tới hạn những tiềm năng của mình.
Sự phát triển vượt bậc của Nguyễn Huy Hoàng khiến cho bơi lội Việt Nam có thêm một niềm hy vọng lớn, trong bối cảnh Nguyễn Thị Ánh Viên đang có dấu hiệu chững lại. Trên thực tế theo đánh giá của giới chuyên môn, tại Olympic Tokyo 2020, cơ hội tranh đoạt huy chương của Việt Nam là khá thấp. Một loạt những gương mặt được chờ đợi trước đây đều ít có cơ hội cạnh tranh được những đối thủ lớn trên thế giới.
Ở môn Cử tạ, Thạch Kim Tuấn vừa không thành công tại Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) hạng cân 56kg. Kim Tuấn tiếp tục không đạt thành tích như mong đợi ở Asiad 2018 (Indonesia). Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng lập kỳ tích đoạt 1 HCV, 1 HCB tại Thế vận hội 2016. Tuy nhiên từ đó đến nay, Hoàng Xuân Vinh chưa từng tái hiện phong độ trên. Dù vậy, cơ hội tranh huy chương của xạ thủ Quân đội thậm chí vẫn được đánh giá cao hơn những cái tên khác, như Ánh Viên hay Bùi Thu Thảo (điền kinh).
Từ sau Asiad 2018, giới chuyên môn nhận định Ánh Viên khó lòng đạt được mục tiêu như chờ đợi của ngành thể thao. Quá trình tập huấn không hiệu quả, những câu chuyện bên ngoài chuyên môn đã tác động tiêu cực tới VĐV từng được ví như “viên ngọc quý” của thể thao Việt Nam. Theo đánh giá, Ánh Viên đã lãng phí quãng thời gian 4 năm để có thể vượt ngưỡng, tạo nên đột phá trên đường bơi xanh. Nếu không có những bước tiến đột biến thì khả năng để Ánh Viên có thể đặt ra một mục tiêu cụ thể cho Olympic Tokyo 2020 là rất khó khăn.
Trong khi đó, phía trước Nguyễn Huy Hoàng là cánh cửa mở rộng, đủ để kình ngư Quảng Bình có thể tiến xa nếu được tiếp tục đầu tư đúng mức.
Với thành tích 7’50’’20, chỉ cần cải thiện thêm, Huy Hoàng có thể tiếp cận nhóm tranh đoạt huy chương tại Olympic Tokyo 2020. Trường hợp đạt chuẩn A, kình ngư Quảng Bình có thể giành vé chính thức tới Olympic, thay vì phải chờ vào suất đặc cách. Đây là điều chỉ Ánh Viên từng làm được ở Olympic Rio de Janeiro 2016.
Năm 2019 có thể xem là năm bản lề đối với Nguyễn Huy Hoàng. Theo thông tin từ Tổng cục TDTT, Huy Hoàng sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh, thậm chí vượt mức so với các VĐV thuộc diện được đầu tư đặc biệt của thể thao Việt Nam.