Tại các tỉnh này mỗi ngày bình quân có hàng chục tấn rác thải chảy về Việt Nam trên khắp các nẻo đường, sôi động trên lộ dưới sông.
Tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) chúng tôi thấy hàng đoàn xe tải mang biển số Campuchia chở đầy phế liệu đậu san sát ngay bên cạnh trạm kiểm soát cửa khẩu phía Việt Nam. Phế liệu chủ yếu được thu gom từ Phnom Penh, Ta Keo theo quốc lộ số 2 đổ về.
Sau khi các xe tải của phía Campuchia tập kết hàng tại khu vực biên giới, đại lý ve chai phía Việt Nam sẽ tiếp nhận, thanh toán tiền. Thậm chí đầu nậu phía Campuchia có thể được ứng tiền trước để gom hàng chuyển về tập trung tại khu vực biên giới. Có những loại rác nằm trong danh mục nghiêm cấm nhưng vẫn được nhập về nước.
Một Việt kiều Campuchia cho biết: “Tại Thamau (Ta Keo) sát biên giới Việt Nam là một bãi phế liệu mênh mông, đủ các mặt hàng, trong đó hàng điện tử, điện gia dụng đã qua sử dụng chất hàng đống. Mặt hàng thải ở Campuchia này được phân loại tuồn qua thị xã Châu Đốc sau đó phân tán đi các nơi”.
Trả lời Tiền Phong ông Nguyễn Thanh Tâm - Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan tỉnh An Giang nói: “Nhà nước cho phép nhập khẩu một số hàng phế liệu từ nước ngoài. Khi qua các cửa khẩu thuộc sự quản lý của chúng tôi, chúng đều được kiểm tra. Loại nào nằm trong danh mục Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép mới được nhập. Nếu vi phạm chúng tôi sẽ phạt, tịch thu hoặc yêu cầu tái xuất”.
Trong khi đó một cán bộ hải quan ở cửa khẩu Tịnh Biên thừa nhận hiện mỗi ngày bình quân cũng có khoảng vài chục tấn phế liệu đi qua đường cửa khẩu.
Rác lậu đổ về Việt Nam suốt tuyến biên giới Tây Nam. Rác chảy từ Campuchia về Việt Nam không chỉ bằng đường bộ. Trên các sông rạch sát biên giới rác cũng đang ngày đêm tuồn về Việt Nam với số lượng lớn, ngành chức năng hầu như không thể kiểm soát được.
Nếu như tại An Giang rác lậu được nhập ồ ạt chủ yếu qua kinh Vĩnh Tế thì, tại Đồng Tháp, ghe chở phế liệu từ phía Prey Veng xuôi sông Sở Thượng qua Hồng Ngự, Tân Hồng rồi trung chuyển về TPHCM. Một số tiếp tục theo sông Tiền đi tới các điểm tập kết khác.