Hơn trăm bộ y phục này nằm trong bộ sưu tập Ban Mai dành riêng cho mùa Tết Kỷ Hợi. Vẫn dùng những gam màu cơ bản chủ đạo như nâu, lam, vẫn những thiết kế giản dị kín đáo thể hiện sự tôn nghiêm nơi thờ tự nhưng các trang phục trong bộ sưu tập Ban Mai có nét riêng trang nhã, ấm áp. Thêm điểm nhấn về chiếc khăn vắt ngang vai và bông hoa cài ngực áo để trang phục thêm sinh động. Chiếc khăn này có thể tháo rời, người tạo ra nó muốn hưởng phước báu từ chiếc áo cà sa nên đưa vào khá hợp lý.
“Mặc một bộ trang phục nghiêm trang, đúng đạo, đứng lễ trước ban thờ gia tiên hay đi lễ chùa cầu an vào những ngày đầu xuân năm mới, sẽ khiến cho các mẹ, các chị, các anh và cả các em nhỏ tự tin hơn, lắng lòng hơn, thành kính hơn trong giây phút nguyện cầu linh thiêng ấy. Tôi luôn tâm niệm trong đời có đạo và người đời phải hành đạo ngay trong cuộc sống nên các thiết kế của Thiện Phát Design luôn hướng tới hội nhập vào đời sống đương đại”, Kim Ngọc nói. Chị giải thích để phù hợp với nhu cầu của người mặc chọn chất lụa mềm và ít nhăn, phù hợp thời tiết hai miền.
Ông Lưu Ngọc Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Thăng Long cho rằng, dù trang phục dành cho hành lễ có cách tân cỡ nào, làm đẹp hơn ra sao cũng không thể để mất bản sắc, đặc biệt phải phù hợp hoàn cảnh. “Chắc chắn đồ phật tử không thể lẫn thành đồ dạ hội hay đồ mặc để hầu Thánh”, ông nói. Không bó hẹp trang phục phật tử, Kim Ngọc nghiên cứu để đưa ra những thiết kế phù hợp với nhiều đạo hữu, tín ngưỡng khác nhau ở ba miền với đặc trưng màu sắc, chất liệu riêng.
Nói thêm về cơ duyên đến với thiết kế trang phục phật tử, Kim Ngọc nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn nhưng thị trường chủ yếu du nhập trang phục từ nước ngoài, chất liệu và kiểu dáng kém đa dạng. “Nếu chỉ mình mặc đẹp thì dễ rồi, tôi mong muốn để mọi người xung quanh cũng đẹp khi hành lễ”, Kim Ngọc nói. Chị cũng xác định tôn chỉ khi thiết kế y phục này luôn theo tính truyền thống.