Bãi giữa có tầm quan trọng thế nào trong đời sống của người dân Hà Nội?
Bãi giữa thực sự là một cơ hội tốt cho Hà Nội và người dân có được một không gian sinh thái tự nhiên để kết nối. Nhiều khi, tôi cảm giác đê Yên Phụ như gáy sách mở ra trang bên này là đô thị, văn hóa, du lịch, thương mại, còn bên kia là sông Hồng, bãi giữa. Một bản quy hoạch tốt sẽ nhấn mạnh vào nét riêng sinh thái, môi trường, nông thôn.
Một nhóm người đặc biệt nổi tiếng gắn với bãi giữa là nhóm tắm tiên, bơi sông Hồng. Việc kết nối với thiên nhiên đối với họ là cái gì cấp thiết. Bản chất con người vẫn muốn kết nối với thiên nhiên. Đại đa số chúng ta coi đi nghỉ như một cái gì xa xỉ, năm chỉ 1-2 lần lên rừng xuống biển. Trong khi bãi giữa chính là cơ hội để người dân Thủ đô có sự kết nối thường xuyên với thiên nhiên. Người dân của các đô thị ở Úc, Mỹ hay châu Âu thường xuyên được “tắm rừng”, vì nơi họ sống có mật độ cây xanh trên đầu người rất cao nhờ các khu rừng xung quanh đô thị.
Không chỉ là nơi “xả stress”, bãi giữa còn có cả dân cư. Theo ông, nhóm cư dân này sẽ chịu biến động như thế nào nếu nơi đây được quy hoạch thành công viên hoặc khu bảo tồn?
Có nhiều nhóm khác nhau đang sử dụng đất ở bãi giữa để canh tác, kinh doanh hoặc nghỉ dưỡng. Về mặt pháp lý, Nhà nước không cho phép làm điều đấy nhưng pháp lý cũng do con người tạo ra. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố thực tế này xảy ra, tồn tại và kéo dài ở đấy rất nhiều năm rồi. Người dân trong một chừng mực nào đó đã gắn bó với vùng đất đấy.
Xóm phao gồm 3-4 chục hộ lấy thuyền làm nhà, theo tôi cần được tích hợp vào quy hoạch bằng cách nào đấy tốt nhất cho họ. Mọi người ra bãi giữa tản bộ, đạp xe… trong chừng mực nào đó vẫn cần dịch vụ cà phê, nhà hàng, homestay. Như vậy, nó vẫn là một phần quy hoạch tổng thể được. Vì mục tiêu quy hoạch là có lợi cho thành phố và người dân. Nhóm canh tác nông nghiệp bao gồm các làng nghề quất, đào rõ ràng vẫn nên duy trì. Vì sinh kế của họ cũng là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô...
“Khi nghe các cuộc họp, đọc báo nói về quy hoạch phân khu sông Hồng, tôi thấy ngôn ngữ của nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý coi bãi giữa như một vùng để khai thác về kinh tế, bất động sản. Tôi cảm thấy tư duy đấy hơi sai. Nếu vùng này được khai thác đúng hướng sinh thái bền vững, nó sẽ tạo ra giá trị về mặt khí hậu, sức khỏe tâm trí, chất lượng sống cho con người. Những thứ đó Hà Nội đang rất thiếu và không thể đo đếm bằng tiền”.
Chuyên gia Lê Quang Bình
Mỗi nhóm người gắn với một loại hình dịch vụ sẽ làm đời sống nơi đây thêm sinh động?
Ta có thể liên tưởng đến các làng nghề trồng rau sạch như các vùng nông nghiệp bền vững nằm kề Hội An - thành điểm du lịch hút khách. Nên tích hợp các yếu tố dân cư sẵn có thay vì gạt họ ra, như vậy sẽ mang lại sự đa dạng về sinh cảnh thú vị hơn nhiều.
Theo ông, nên gọi tên vùng quy hoạch tương lai ở bãi giữa là công viên văn hóa hay công viên sinh thái?
Khi nghe tên “công viên văn hóa”, tôi đã thấy hơi trúc trắc rồi. Nếu vẫn muốn dùng từ “công viên”, nên là “công viên sinh thái” hoặc “công viên sinh thái văn hóa” vì sinh thái phải đi trước. Căn bản giá trị và chức năng của bãi giữa là ở tính sinh thái chứ không phải là đô thị. Bãi giữa mà mất sinh thái, Hà Nội chẳng còn chỗ nào, chỉ có lên Ba Vì thôi.
Giá trị sinh thái ở đây không chỉ cho Hà Nội, Việt Nam mà còn cho cả toàn cầu. Vì bãi giữa là một phần của tuyến đường di cư chim quốc tế từ Nhật Bản, Mông Cổ, Nga… sang. Đó là một phần đáng tự hào nhưng cũng kèm theo trách nhiệm. Bãi giữa nội đô Hà Nội là một trong 13 bãi nằm trải dài từ Ba Vì đến Phú Xuyên. Có những bãi gần như còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang dã, tự nhiên. Quy hoạch bãi giữa nội đô nên đặt chung trong bối cảnh cả 13 bãi sẽ dễ quản lý hơn nhiều.
Các bãi ở thượng nguồn điều kiện thiên nhiên đang rất nguyên sơ, nên được quy hoạch thành các khu bảo tồn thiên nhiên. Một số bãi con người đã bắt đầu xâm lấn giống như bãi giữa nội đô của 10-20 năm trước. Nên có chính sách sớm để ngăn chặn, sau này thành phố đỡ phải giải quyết hậu quả của “chuyện đã rồi”.
Cảm ơn ông!