Tháng 8-2009, Hiệp hội Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Việt Nam khởi xướng chương trình “Các doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”. Tôm tạp chất tạm lắng dịu chừng một tháng nhưng sau đó, tôm nguyên liệu thiếu, tôm tạp chất trỗi dậy!
Hai tháng gần đây, tại tỉnh Cà Mau, các ngành chức năng phát hiện 120 vụ vận chuyển, mua bán, tiêu thụ tôm tạp chất. Hầu hết các vụ tôm tạp chất được phát hiện ở Cà Mau thời gian qua đều không xác định được chủ.
Bốn tháng qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu phát hiện 12 vụ tôm tạp chất với gần 9 tấn tôm nguyên liệu.
Ngày 31- 8-2009, tài xế xe tải 94K6727 Nguyễn Văn Bằng, ở phường 5 (thị xã Bạc Liêu) vận chuyển 326 kg tôm tạp chết sơ chế. Chi cục Quản lý thị trường Bạc Liêu tịch thu toàn bộ số tôm này.
Mới đây, ngày 26-10-2009, xe khách 93H 9594, do tài xế Châu Phi Khương lái, vận chuyển 128 kg tôm chứa tạp chất.
Các vụ vi phạm tôm tạp chất được phát hiện vừa qua ở Bạc Liêu đều xuất phát từ địa bàn huyện Giá Rai. Một số cơ sở sơ chế tôm, tiêm tạp chất đã chủ động chia nhỏ để vận chuyển, tiêu thụ. Khi tôm tạp chất bị phát hiện, họ đều “bỏ của chạy lấy người”.
Biết lỗ vẫn phải duy trì
Ông Trần Thanh Hòa, GĐ Cty cổ phần thực phẩm thủy sản xuất khẩu Cà Mau (FFC) tâm sự: “Tôm nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao, biết lỗ cũng phải mua để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, đáp ứng đơn đặt hàng”.
Cty FFC đặt tại xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau), mỗi ngày chỉ mua được gần 7 tấn tôm nguyên liệu. Cùng thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp mua trên 15 tấn/ngày.
Giá tôm nguyên liệu được đẩy lên từng ngày. Hiện tại, tôm sú 20 con/kg giá 180.000đ/kg, loại 30 con/kg giá 135.000đ/kg.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng GĐ Camimex Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi mời gọi các đại lý các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Trung về. Nhưng mùa thu hoạch tôm chính vụ đã hết, lượng tôm nuôi quảng canh không nhiều”.
Năm nay, các tỉnh có diện tích tôm công nghiệp lớn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... hiện đều thả tôm giống mật độ thưa, sản lượng thu hoạch đang giảm dần.
Tại Sóc Trăng, sản lượng tôm chỉ đạt khoảng 55.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với những năm trước càng làm cho 9 xí nghiệp chế biến của 6 DN chế biến thủy sản xuất khẩu đói nguyên liệu.
Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau bức xúc: “Cứ nhìn vào diện tích nuôi tôm hiện nay, với gần 40 DN chế biến thủy sản xuất khẩu thì lượng tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng nửa công suất thiết kế. Thiếu tôm nguyên liệu thời điểm cuối vụ là khó tránh khỏi”.
Vựa tôm Cà Mau có 264.500 ha nuôi tôm nhưng chỉ 1.300 ha nuôi tôm công nghiệp, 2.200 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến có năng suất cao. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vùng ĐBSCL phải tìm mua tôm nguyên liệu các tỉnh miền Trung để sản xuất. Cty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Phú Cường (Cà Mau) hoạt động khoảng nửa công suất.
Tỉnh Kiên Giang có 22 nhà máy chế biến xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 120.624 tấn/năm nhưng chỉ hoạt động 35 - 40% công suất.