Quặng gỗ dưới hồ
Tháng 4-2010, nhận được tin báo có bãi gỗ được trục vớt lên từ sát cửa nhận nước lòng hồ thủy điện Sê San4, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) thành lập đoàn liên ngành kiểm tra. Các cơ quan chức năng thống kê được 390 lóng gỗ, khối lượng hơn 450 m3.
Trong khi công an đang truy tìm đối tượng khai thác, vận chuyển về lòng hồ số gỗ trên, thì Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho rằng gỗ được cắt khúc không xác định được nguồn gốc còn chìm dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4 với số lượng lớn.
Chi cục Kiểm lâm đã thuê tổ thợ lặn khảo sát khu vực lòng hồ Sê San 4 (rộng 4.800 ha). Thợ lặn báo cáo có đến hàng nghìn khối gỗ nữa còn dưới lòng hồ. Ngay sau đó Kiểm lâm Gia Lai tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức trục vớt số gỗ này.
Gỗ ở đâu?
Trong khi kiểm lâm Gia Lai đang tổ chức trục vớt gỗ dưới lòng hồ thì tỉnh Kon Tum phát hiện rừng thuộc tỉnh này giáp ranh với lòng hồ Sê San 4 bị tàn phá, nên báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp. Trong tháng 8, tổ công tác của Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, chủ rừng… kiểm tra rừng ở quanh khu vực lòng hồ và bãi gỗ trục vớt của Kiểm lâm Gia Lai.
Qua kiểm tra hiện trường tiểu khu 770 và theo phản ánh của một số dân quanh khu vực này tình trạng khai thác gỗ trái phép ven lòng hồ rất nghiêm trọng. Lâm tặc đã lợi dụng địa hình mặt hồ rộng, lực lượng liên ngành không có phương tiện tuần tra kiểm soát đã chặt hạ trái phép những cây gỗ ở gần mép nước.
Ngày 8-9, Tổng cục Lâm nghiệp đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai và Kon Tum đề nghị UBND tỉnh Gia Lai tạm dừng việc trục vớt số gỗ ở lòng hồ Sê San 4 và làm rõ nguồn gốc một số lóng gỗ tươi tại bãi gỗ do Chi cục kiểm lâm Gia Lai tổ chức trục vớt.
Lòng hồ Sê San 4 phía Gia Lai hầu hết không còn rừng, vì thế gỗ lậu xuất hiện chỉ có thể khai thác từ bờ bên kia thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.