Cùng với chuyển đổi số trong lĩnh vực điều hành hệ thống điện, EVNSPC và các đơn vị thành viên còn nỗ lực chuyển đổi số trong công tác dịch vụ điện lực, chăm sóc khách hàng nhằm đến gần và hiểu khách hàng hơn, từ đó chăm sóc khách hàng tận tình và hiệu quả hơn.
Nhanh chóng, hiệu quả
Từ năm 2019, Công ty Điện lực Bình Dương bắt đầu triển khai dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4. Thay vì đến phòng giao dịch như trước đây, mọi yêu cầu của khách hàng được thực hiện mọi lúc mọi nơi chỉ với chiếc smartphone có kết nối mạng internet.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Dương đã được đưa vào sử dụng phần mềm khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng và xác định tọa độ khách hàng. Theo đó, nhân viên khảo sát sẽ thực hiện vẽ sơ đồ cấp điện trên máy tính bảng và xác định tọa độ ngay tại vị trí cấp điện. Dữ liệu được truyền trực tiếp về cho bộ phận phụ trách, xác nhận trình ký số và thực hiện chuẩn bị các thủ tục cấp điện cho ngày hôm sau, rút ngắn thời gian cấp điện. Nhờ tọa độ và những thông tin cần biết về khách hàng được nhập liệu đầy đủ trên hệ thống giúp cho công tác quản lý, chăm sóc khách hàng dễ dàng và thuận lợi hơn.
Tất cả các hoạt động kinh doanh từ ghi chỉ số điện qua điện thoại thông minh, xác định tọa độ vị trí khách hàng, khai thác dữ liệu đo xa, khảo sát cấp điện, lịch sử treo tháo công tơ….đều được tích hợp qua hệ thống quản lý CMIS 3.0 (Hệ thống thông tin quản lý khách hàng). Vì vậy, khi cần khai thác dữ liệu, thực hiện báo cáo, dự đoán nhu cầu đều được thực hiện một cách nhanh chóng qua chương trình CMIS 3.0. Mọi số liệu đều có con số rõ ràng, cụ thể, điều này đã tạo thuận lợi cho Lãnh đạo đưa ra những quyết định cũng như chiến lược kinh doanh, chăm sóc khách hàng cho những năm tiếp theo.
Chuyển đổi số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng được Công ty Điện lực Bình Thuận triển khai ứng dụng, nhất là việc cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán tiền điện, đo đếm điện năng…Nhờ đó, khách hàng sử dụng điện dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điện trực tuyến. Từ lúc đăng ký hồ sơ, triển khai dịch vụ và ký kết hợp đồng mua bán điện, khách hàng và nhân viên điện lực không phải gặp nhau trực tiếp.
Ông Nguyễn Thành Ngôn-Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, khi có nhu cầu mua điện, khách hàng chỉ cần gửi thông tin qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc các kênh chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam như: Website: http://cskh.evnspc.vn, App CSKH EVNSPC, Trang Zalo TCT Điện lực miền Nam EVNSPC, Email: cskh@evnspc.vn. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện trên môi trường Internet. Khách hàng sử dụng các thiết bị kết nối Internet để cung cấp hồ sơ, nhận thông tin, thanh toán phí dịch vụ (nếu có) và ký kết hợp đồng mua bán điện.
Hợp đồng mua bán điện được lưu trữ trên Website Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam, mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý, kinh doanh điện năng như: dễ dàng quản lý, tìm kiếm hợp đồng, tăng năng suất lao động; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; tăng tính bảo mật cho khách hàng.
Các kênh thanh toán tiền điện cũng được phát triển rộng rãi. Công ty Điện lực Bình Thuận đã tăng cường hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán để đa dạng kênh thanh toán trực tuyến như: Trích nợ tự động, Internet Banking/Mobile Banking, Ví điện tử, Cổng dịch vụ công Quốc gia, các kênh điện tử của Tổng công ty Điện lực miền Nam: Website/App/Zalo. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối internet, khách hàng dễ dàng thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, chính xác mà không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào.
Hiện đại hóa hệ thống đo đếm, tiến tới phát triển lưới điện thông minh cũng là một trong các mục tiêu chuyển đổi số hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của ngành điện. Đối với công tác đo đếm điện năng, Công ty Điện lực Bình Thuận đang tiếp tục đẩy mạnh lắp đặt, thay thế công tơ điện tử đo xa. Khách hàng lắp đặt công tơ điện tử đo xa có thể theo dõi được chỉ số công tơ điện, điện năng tiêu thụ hằng ngày qua Website: http://cskh.evnspc.vn, App CSKH EVNSPC. Qua đó, khách hàng có thể chủ động điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ điện, giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Đấu thầu từ xa
Ông Nguyễn Thành Ngôn cho hay, từ năm 2020 đến nay, Công ty Điện lực Bình Thuận đã thực hiện 100% các gói thầu đấu thầu qua mạng Hệ thống Đấu thầu Quốc gia đối với các gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh. Qua đó, công tác lựa chọn nhà thầu ngày càng nâng cao đạt các tiêu chí công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Công ty Điện lực Bến Tre hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo mục tiêu của EVNSPC đặt ra, đồng thời tham gia đấu thầu qua hệ thống điện tử của quốc gia. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn-PGĐ Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, hiện công ty đã đạt cả hai mục tiêu theo yêu cầu, thứ nhất là 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng và đến nay đã thực hiện được 25 gói thầu qua mạng; thứ hai, là 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn EVN đối với giai đoạn chạy thử và vận hành.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, cùng với tất cả các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), Công ty Điện lực Bình Thuận đã triển khai ứng dụng Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS), nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và chất lượng dự án đầu tư xây dựng.
Công ty Điện lực Bến Tre cũng đang triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý đầu tư các dự án điện, ứng dụng công nghệ mới trong khảo sát thiết kế…Riêng trong lĩnh vực kỹ thuật và an toàn, công ty đã hoàn thiện CSDL lưới điện trung hạ thế trên PMIS đạt tỷ lệ 100%. Tiếp tục ứng dụng CNTT trong sửa chữa thiết bị theo phương pháp CBM cho TBA 110 kV, triển khai Dashboard ứng dụng ngoài hiện trường cho CBCNV trong lĩnh vực kỹ thuật, trang bị các thiết bị di động ứng dụng ngoài hiện trường cho phần mềm kiểm tra lưới điện; ưng dụng phầm mềm tính toán thông số lưới điện phục vụ công tác vận hành; ứng dụng hiện trường cho lĩnh vực kỹ thuật, an toàn; giám sát lưới điện bằng thiết bị bay không người lái...
Chuyển đổi nhận thức – Kết nối người lao động thông qua nền tảng số
Một trong những chuyển biến đáng khích lệ trong tiến trình chuyển đổi số chính là sự chuyển đổi nhận thức từ những người lao động tại các đơn vị điện lực. Cán bộ, ông nhân viên giữa các đơn vị có sự kết nối thông qua quá trình vận hành từng phân hệ của chương trình quản lý. Phân hệ này hoàn thành thì phân hệ kia mới có thể kiểm tra chốt số liệu và báo cáo. Đơn cử như phần mềm quản lý ERP (Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp), nếu phân hệ quản lý vật tư không chốt số, chuyển chứng từ nhập xuất kho kịp thời thì phân hệ kế toán không thể kết sổ. Ngược lại, trong quá trình kết sổ kế toán bị lệch số liệu thì bộ phận vật tư và kế toán phải cùng phối hợp rà soát tìm ra nguyên nhân mới có thể mở kỳ (mở tháng làm việc mới) tiếp theo để thực hiện nhập liệu.
Nhờ có mối liên kết chặt chẽ tạo sự tương hỗ lẫn nhau trong công việc hình thành nên văn hóa số. Để hoàn thành nhiệm vụ chung, các cá nhân phải liên kết, từng bộ phận thực thi nhiệm vụ như một dòng chảy, thông tin được chia sẻ nhanh chóng, liên tục qua không gian số. Chính sự chia sẻ, tương tác đã tạo nên một môi trường số, kết nối người lao động mọi lúc mọi nơi.