Hàng giả len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống
Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử" do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức sáng 15/11, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng Quản lý thị trường.
"Phương thức mua - bán hàng của người dân đã thay đổi, chuyển từ truyền thống sang online. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu, vùng như vụ Gia Lai vừa qua là một ví dụ điển hình" - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nói. Ông cũng cho biết, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
“Theo Luật Bưu chính, xe kẹp chì là không thể mở để kiểm tra, phải đợi xe vào điểm giao dịch thì mới có thể mở ra kiểm tra. Các DN vận chuyển hiện nay 99% sống bằng chuyển phát hàng giao bán hàng hoá trên mạng, cho các sàn thương mại điện tử, mua bán online. Nhiều trường hợp QLTT phải nhờ các sàn giao dịch gỡ các mặt hàng cấm. Như Lazada, Shopee còn rao bán cả hàng cấm, súng. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay chính là ngộ độc thực phẩm do mua bán đồ ăn, thức uống online. Khi xảy ra vụ việc thì đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính”, ông Linh bày tỏ.
Ông Linh cũng cho rằng, lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhan nhản hàng giả, hàng cấm đăng bán trên các sàn thương mại điện tử
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại Việt Nam trong năm qua có tốc độ tăng trưởng trung bình 20% năm. Trước đại dịch tốc độ tăng trưởng 30%. Mỗi người dành từ 300 USD/năm cho thương mại điện tử. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất thế giới. Dự báo nền kinh tế số đến 2025 của Google, Temasek của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45 tỷ USD nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hiện Việt Nam có trên gần 80 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, hơn 156 triệu thiết bị di động.
Theo ông Tuấn, những đối tượng bán hàng giả hiện nay có đủ loại, đủ hình thức đối phó với các cơ quan chức năng. Trong đó hiện điển hình nhất là việc thuê các người nổi tiếng (Kols) giới thiệu và bán hàng trên mạng xã hội, qua các gian hàng được chia nhỏ ở các tỉnh, thành phố khác nhau.
“Nhức nhối nhất là tình trạng sách giả, hàng lậu, đồng hồ giả. Chúng tôi khi đặt thử đồng hồ giả qua mạng xã hội chỉ đặt được 1 cái, muốn giao 3 cái để truy tìm nguồn gốc cũng không được. Nhiều đối tượng tạo ra 50 fanpage khác nhau. Bán hàng xong là lập tức xoá fanpage. Khi hàng giao thì đều là hàng giả và đối tượng rất khó xác định danh tính. Đã làm việc với Meta để xác định đối tượng khách hàng nhưng chỉ có thể cơ quan công an đề nghị mới làm rõ được. Hiện Cục đã làm việc với Meta để hình thành cơ chế khoá các tài khoản xác định bán hàng giả”, ông Tuấn cho hay.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hàng hoá sau khi đã được đưa vào Việt Nam thì không khác gì thả gà ra đuổi.
Tại Hội thảo, Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử.
Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn. Lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng bán hàng giả, hàng fake của các thương hiệu lớn như: LV, Gucci, Montblanc... Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam.
“Đề án 319 chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2023 sẽ giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm thương mại điện tử”, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh.