> Nga-Mỹ: 'Chiến tranh thịt' rồi 'chiến tranh lạnh?
> Nga đối phó lá chắn tên lửa của Mỹ như nào?
Trong cuộc họp báo vừa diễn ra ở Mátxcơva sau Hội nghị Tổng kết công tác của Bộ Ngoại giao Nga năm 2012, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã dành nhiều thời gian nói tới quan hệ trong thời gian tới giữa Nga và Mỹ.
Ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục đáp trả một cách cứng rắn mọi hành động thiếu thân hữu từ phía Mỹ. Theo nhận định của ông, mối quan hệ Nga - Mỹ “có nhiều vấn đề khó khăn”.
Tiếp đó là hàng loạt vấn đề khác như việc Mỹ thông qua “Đạo luật Magnitsky” (nhằm trừng phạt các quan chức Nga có liên quan đến cái chết trong nhà tù Nga của một nhân viên Quỹ Hermitage tên là Magnitsky) và bị Nga coi là một đạo luật chống Nga.
Phía Nga đáp trả bằng việc thông qua “Đạo luật Dima Yakovlev” (hay còn gọi là “Đạo luật chống Magnitsky” cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga và cấm các quan chức Mỹ vi phạm quyền con người nhập cảnh vào Nga).
Phía Nga cũng phản ứng gay gắt trước lời tuyên bố của nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra cách đây ít lâu về thái độ của Mỹ đối với những nỗ lực của Nga trong việc củng cố mối quan hệ giữa những nước thuộc Liên Xô trước đây.
Bà Clinton thẳng thừng tuyên bố, Mỹ sẽ không cho phép Nga thành lập một cơ cấu gì đó giống Liên Xô trong không gian thời hậu Xô Viết cho dù cơ cấu đó mang tên Liên minh Thuế quan hoặc Liên minh các quốc gia Á - Âu.
Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, khi tuyên bố chính sách tái khởi động mối quan hệ Nga -Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Obama muốn được Mátxcơva “tiếp tay” trong 3 vấn đề lớn rất quan trọng đối với Mỹ.
Một là giúp Mỹ trong việc tiếp tế cho quân đội Mỹ ở Afghanistan, hai là xiết chặt các biện pháp trừng phạt chống Iran và ba là ủng hộ việc Mỹ và các nước Phương Tây thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya.
Trong nhiệm kỳ mới của mình, Tổng thống Obama không còn được tự do hành động như trong nhiệm kỳ đầu. Đảng Cộng hoà kiểm soát Hạ viện và có rất đông trong Thượng viện. Họ có thái độ cứng rắn đối với Nga và thậm chí một số người còn coi Nga là kẻ thù. Do đó, chưa chắc ông Obama đã dám làm điều gì có lợi cho việc cải thiện mối quan hệ vớí Nga.
Đổi lại, Mátxcơva muốn được Mỹ đồng ý ngừng quá trình mở rộng Liên minh NATO sang phía đông (tức là mở rộng sang các nước thuộc Liên Xô trước đây), thoả hiệp về việc thành lập Hệ thống phòng thủ chống tên lửa và ngừng can thiệp vào đời sống chính trị của nước Nga dưới chiêu bài “thúc đẩy nền dân chủ” ở Nga.
Nhưng giờ đây nhìn lại, có thể thấy Mỹ đã đạt dược mọi điều Mỹ mong muốn còn Nga chỉ nhận được tình trạng ngày càng xấu hơn về những vấn đề mà Nga quan tâm.
Theo ý kiến của các nhà phân tích Nga, mối quan hệ Nga - Mỹ không được cải thiện về thực chất còn bởi vì hai bên có quá ít điểm chung.
Những điểm chung đó chủ yếu là những vấn đề mang tính chiến lược (như kiểm soát kho vũ khí chiến lược và giảm bớt mức độ đối đầu giữa 2 nước) đã có từ thời Xô Viết nên giờ đây đã hết tác dụng.
Nếu không có được chương trình nghị sự mới cụ thể hơn thì mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ bế tắc và thậm chí có nguy cơ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh.
Về phía Nga, Tổng thống Putin cũng mới tái đắc cử và ông lâu nay vẫn nổi tiếng là một chính khách cứng rắn. Báo chí Nga cho biết ông đang nghiền ngẫm một đường lối đối ngoại mới mạnh mẽ nhằm bảo vệ nước Nga khỏi mọi sự can thiệp từ bên ngoài, kể cả sự can thiệp về chính trị lẫn nguy cơ đe dọa về quân sự.
Vũ Việt
Theo Pravda.ru