“Tôi không hiểu sao Qatar lại bị chỉ trích nhiều như vậy, chúng tôi đang cố gắng làm tốt trách nhiệm của nước chủ nhà. Chẳng phải Qatar giành quyền đăng cai World Cup từ một cuộc bỏ phiếu hợp pháp của FIFA hay sao? Chúng tôi có những giá trị văn hoá riêng, tôi cho rằng tất cả đều xứng đáng được tôn trọng”-Salem, một CĐV Qatar trung tuổi, nói với tôi khi rời sân Al Bayt sau trận đấu với Ecuador.
Qatar đã thua Ecuador 0-2, kết quả không mấy vui với đội chủ nhà, và đó có vẻ như là mối bận tâm lớn nhất của các CĐV Qatar như Salem, thay vì những câu chuyện chính trị được thổi nóng trên truyền thông phương Tây ngay trước thềm World Cup. Đội tuyển Qatar đã có 12 năm để chuẩn bị cho World Cup 2022 kể từ khi chính thức giành quyền đăng cai năm 2010, nhưng vẫn bộc lộ chỉ là một đội bóng tầm trung trên sàn đấu thế giới.
Ngay trước thềm khai mạc, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã lên tiếng chỉ trích phương tây “đạo đức giả” khi chỉ trích Qatar trong quá trình chuẩn bị cho World Cup, bao gồm cáo buộc phân biệt đối xử với người đồng tính hay sử dụng lao động nhập cư.
“Tôi là người châu Âu. Tôi nghĩ với những gì người châu Âu đã làm trên khắp thế giới 3.000 năm qua, chúng ta cần xin lỗi trong 3.000 năm tới…Những rao giảng đạo đức một chiều chỉ là đạo đức giả. Nếu muốn chỉ trích ai, hãy chỉ trích tôi. Đừng chỉ trích Qatar”-ông Infantino tuyên bố. Đó là một phản ứng đầy bất ngờ, đồng thời làm thổi bùng lên những tranh cãi về sự can thiệp của chính trị vào bóng đá.
Trước World Cup 2022, FIFA đã ban hành lệnh cấm với đội tuyển Nga, loại đội bóng này khỏi VCK và nghiễm nhiên trao suất dự giải cho Ba Lan không qua play-off. Rõ ràng môi trường chính trị thế giới đổi thay đang tác động tới cuộc chơi của bóng đá, và FIFA cũng như các nhà tổ chức sẽ còn phải đối diện nhiều thách thức hơn để giữ những giá trị cốt lõi của nó.
Tuy nhiên, nó vẫn không ngăn được những nỗ lực của truyền thông phương Tây “chọc” vào World Cup 2022. Tờ Guardian (Anh) cho biết đài BBC đã bỏ qua lễ khai mạc World Cup 2022 vốn được nước chủ nhà đầu tư hàng triệu USD, và thay vào đó, phát sóng chương trình lên án cách Qatar đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính, cũng như nạn tham nhũng của FIFA. Những người có trí nhớ tốt sẽ thấy ngay sau khi Anh và Mỹ thất bại trong cuộc đua tranh quyền đăng cai World Cup 2018 vào tay Nga và đặc biệt World Cup 2022 vào tay Qatar thì truyền thông phương Tây, đặc biệt của Anh trong đó có BBC, đã liên tục đưa ra những thông tin tiêu cực.
Báo chí Anh cũng thường “song hành” với đội tuyển nước này, theo cả nghĩa tiêu cực và tích cực. Đội trưởng đội tuyển Iran, Alireza Jahanbakhsh trong cuộc họp báo tại Doha đã “đập” ngược lại phóng viên Anh trước câu hỏi về các cuộc biểu tình vừa diễn ra ở Iran. “Tôi không ngạc nhiên khi bạn hỏi câu hỏi này. Tôi nghĩ mọi người đang mong đợi loại câu hỏi như thế này, và có lẽ tôi cho rằng bạn đến từ Anh. Thành thật mà nói, nếu Anh không ở trong bảng của chúng tôi, không rõ bạn có đặt câu hỏi này không?”-Alireza cho biết, đồng thời cho rằng câu hỏi của phóng viên Anh là một chiêu đánh vào tinh thần, nhưng các cầu thủ Iran sẽ tập trung cho bóng đá vì nhiệm vụ với đất nước.
Thể thao và bóng đá được ví như công cụ hàn gắn, điều này thực tế đã xảy ra ở nhiều kỳ Thế vận hội, World Cup. Rất khó để đưa ra một bộ tiêu chí để phân biệt giữa các hoạt động phi chính trị và chính trị trong bóng đá, và đôi lúc nó vẫn xảy ra. Mỹ và Iran đều không phải những đội bóng mạnh trên thế giới nhưng cuộc đối đầu giữa đôi bên tại World Cup 1998 bỗng gây nên sự chú ý. Lý do bởi mối hiềm khích giữa hai quốc gia sau Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Rốt cuộc bất chấp căng thẳng chính trị, trận đấu giữa hai đội trên sân cỏ đã diễn ra văn minh, hai đội trao hoa và quà cho đối thủ. Iran thắng 2-1 và tại quê nhà, nhiều người hâm mộ nước này đã đổ ra đường ăn mừng bỏ qua khuyến cáo của Chính phủ.