Ngày 15-12, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức lễ khai trương Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ sau 4 năm xây dựng. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên được xây mới kể từ ngày giải phóng đất nước, các sân bay quốc tế khác đều do cải tạo, nâng cấp.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khởi công xây dựng từ cuối năm 2008 với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), có thể tiếp nhận được các loại máy bay tầm xa, thân rộng như Boeing 777-300, Boeing 747-400 và máy bay A380-800, với nhà ga hành khách được thiết kế theo hình con ngọc trai biển Phú Quốc.
Dự kiến đến năm 2020, Cảng hàng không Phú Quốc sẽ đạt công suất 2,65 triệu khách/năm và sau năm 2030 đạt công suất 7 triệu khách/năm.
Tại buổi khai trương sân bay, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV Nguyễn Nguyên Hùng cho biết: Việc đưa Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho Phú Quốc và ĐBSCL thuận lợi hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, khoa học - kỹ thuật…
Trước đó, tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị, đề xuất Chính phủ áp dụng các cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế vào năm 2020, đồng thời áp dụng một số chính sách mở cho việc sở hữu đất đai của việt kiều và người dân.
Lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xúc tiến thủ tục thực hiện các dự án như Khu phức hợp khách sạn, vui chơi, giải trí có hoạt động kinh doanh casino, trung tâm thể thao quốc tế, trường đua; bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư cho Phú Quốc về thuế, nhà ở, đất ở và tài chính khác.
Tỉnh cũng kiến nghị cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trên đảo Phú Quốc theo định suất, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài được mua nhà ở và được thuê đất ở lâu dài trên đảo Phú Quốc…
Cơ hội cho du lịch, bất động sản
Thực tế, không phải bây giờ người dân tại Phú Quốc mới cảm nhận được những bước chuyển mình của hòn đảo xinh đẹp này. Nếu như trước đây, người dân Phú Quốc chủ yếu sống bằng nghề đi biển và làm nông thì nay nhiều người đã biết làm kinh tế nhờ vào du lịch với nhiều dịch vụ đi kèm.
Một “phong cách” du lịch rất riêng tại đây được phát triển nhờ vào thực trạng vốn có của Phú Quốc. Do chưa có nhiều khách sạn, resort nên vào các dịp lễ tết do khan hiếm phòng, du khách đến Phú Quốc thường có xu hướng tìm nhà nghỉ hoặc nhà dân để lưu trú.
Vì thế, người dân thường sử dụng chính ngôi nhà của mình để làm địa điểm du lịch, nhà nghỉ hoặc cung cấp cách dịch vụ thiết yếu. Khách du lịch có thể ở nhà dân, ăn cơm với người dân, mua sản phẩm do dân làm ra và tìm hiểu văn hóa truyền thống nơi này…
Không chỉ du lịch, thị trường bất động sản tại Phú Quốc cũng đang nhận được những tín hiệu tích cực. Từ một vùng đất hoang sơ được Chính phủ chú trọng phát triển, nhiều công trình hạ tầng lớn đang dần hoàn thiện với sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã khiến bất động sản Phú Quốc đang biến động không ngừng.
Điều này có thể dễ hiểu bởi thị trường bất động sản từ trước đến giờ luôn ảnh hưởng bởi chính sách và cơ sở hạ tầng. Do đó, những nơi nào “trải thảm đỏ” đầu tư, ưu đãi để phát triển cũng như cam kết bằng hành động sẽ tự khắc thúc đẩy thị trường.
Do đó, cùng với sự gấp rút triển khai, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng lớn như: cảng biển Quốc tế An Thới, dự án cáp ngầm 110KV Hà Tiên - Phú Quốc xuyên biển, đường vòng quanh đảo và đường trục chính Bắc - Nam đảo với tổng chiều dài hơn 200km… và đỉnh điểm là sự kiện khánh thành sân bay quốc tế ngày 15-12 vừa qua, Phú Quốc đang trở thành điểm đến cho giới đầu tư bất động sản.
Theo Dân trí