Tôi có hai người bạn vong niên thân thiết, hai gã luôn cùng tôi bàn về những chuyến lãng du trong đời, đó là hai“cây” phóng sự sừng sỏ của báo chí đương đại: Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng. “Con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân nay đã đi lại chậm chạp, tay bút chân giầy đã bớt dọc ngang, dường như đã đến lúc tìm hang để có chốn có nơi nghiền ngẫm sự đời cùng những trang văn thâm thúy trầm mặc, âu đó cũng là thuận với quy luật của muôn đời vậy.
Kế tiếp lớp đàn anh, Đỗ Doãn Hoàng trỗi dậy với sức bật của tuổi trẻ đầy quyến rũ bằng chính nội lực của một tay phóng sự bẩm sinh. Anh xuất hiện từ thuở còn sinh viên (năm 1995, khi Hoàng đang học Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền). Không rụt rè, không tự ti mặc cảm vì sự non nớt của tuổi đời, tuổi nghề như nhiều cây bút cùng trang lứa, nhưng cũng không quá chói sáng khiến dư luận phải ồn lên như một hiện tượng. Điểm xuất phát của Đỗ Doãn Hoàng khá vững chắc vì anh được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê cổ giàu bản sắc văn hóa của Hà Tây (làng Việt cổ Đường Lâm - “đất hai vua”, thị xã Sơn Tây), trong một gia đình truyền thống. Bố anh –Nhà văn Đỗ Doãn Quát – một thời lính chiến, sau về quê làm thuốc, viết văn; mẹ anh quán xuyến việc nhà, giáo dưỡng con cái. Bốn anh em đều trưởng thành và đều trở thành những nhà báo sớm tự lập (và đều lấy vợ lấy chồng làm… nhà báo. Tôi vẫn thường nói đùa với bố Hoàng rằng, nhà anh đủ nhân sự để có thể lập ra cả một tờ báo… tư nhân), chỉ riêng cậu anh cả không theo nghề báo thì đứng ra làm quản lý cho bốn em mải mê chữ nghĩa, quá hay.
Như người đi săn, người làm phóng sự nếu không có năng khiếu bẩm sinh khiến anh ta say nghề thì dù có được trang bị đầy đủ phương tiện đến đâu cũng chỉ “săn” được những “con mồi” ở vòng ngoài của những “cánh rừng cuộc sống”. Không lụy đề tài. Không lụy điểm đến xa gần, dễ khó. Nếu đã “đánh được hơi” thì dù có trường chinh vạn dặm, lên rừng xuống bể, ra nguy vào hiểm cũng không sờn lòng, ra sống vào chết cũng không lùi bước. Phải đến được tận nơi, phải “sờ” được tay vào “hiện vật”. Cái máu ấy không ít nhà báo có, nhưng để biến được cái máu ấy thành phóng sự thì còn nhiều yếu tố lắm. Còn nhiều người chưa làm được hoặc làm mãi mà chưa ra được. Cái éo le là ở đây. Phóng sự kén người chứ không phải người kén phóng sự. Cùng một sự kiện, có người viết một cái là ra phóng sự liền. Còn có người loay hoay mãi, bài binh bố trận mãi mà nó cứ nhạt tèo, bài báo không ra bài báo, phóng sự không ra phóng sự. Phóng sự ăn nhau ở cái giọng chứ không phải chỉ có thông tin sự kiện. Phóng sự ăn nhau ở tấm lòng, ở cái duyên của người viết với thông tin sự kiện chứ không phải chỉ bản thân sự kiện ấy. Sự kiện là thông tin khách quan nhưng tấm lòng là thông tin chủ quan. Người viết phóng sự mà thiếu cảm xúc thì cũng như người Việt mình ăn cơm không rau vậy.
Và, lâu nay, tôi thấy Đỗ Doãn Hoàng đã biết cách đem đến món rau quê kiểng ấy cho bữa cơm Việt của nhiều độc giả. Anh đi và viết như “điên”, anh đây đó như một gã du mục. Anh cũng chuyển cơ quan… xoành xoạch. Chỉ giản đơn là anh muốn tự làm mới mình.
Đọc phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng hấp dẫn không chỉ ở thông tin lạ, một ông Chamalea Ha Rá, vốn là fulro trốn chạy, suốt 18 năm liền sống một mình trong hang núi. Hay tục bỏ con vào trong rọ, treo lên ngọn cây cho đến chết rục từ khi mới sinh ra chỉ vì bố mẹ thấy hoàn cảnh của mình không thể nuôi được nó. Chuyện li kì hổ ăn thịt người, gấu vồ tát chết những cư dân lam lũ ở bản Hà Nhì xa xôi hẻo lánh nơi giáp ranh ba biên giới Việt – Trung – Lào. Chuyện chín mươi tuổi vấn khỏe như lực sĩ của dũng sĩ săn voi số 1 Tây Nguyên – ông Ama Kông ở Buôn Đôn, Đắk Lắk. Tục trai gái “ngủ thăm” nguyên thủy và diễm tình của người Dao Tiền vùng thượng huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Chuyện đi tìm bản sắc người Khơ Mú ở Mường Lò hay “Nhật kí giết rừng” ở A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên. Chuyện những người ba đời làm nghề “móc cống” kinh hoàng ở Hà Nội. Chuyện tai ách ở xóm “cơm đen” tử thần Hưng Long, Nghệ An… Có lẽ không chuyện gì là không viết được thành phóng sự qua ngòi bút của Đỗ Doãn Hoàng. Tôi đọc xong những thiên phóng sự kể trên của Đỗ Doãn Hoàng quả tình tất cả những điểm đến của Hoàng tôi cũng đã từng đến, thậm chí sống chung với khu vực dân chúng lam lũ mà Hoàng kể ra, nhưng nghĩ mãi không ra, sao mà hắn tài vậy. Tài chỗ nào? Tài về văn phong hay về lối viết? Hình như với Hoàng, phóng sự quyết không phải “vấn đề” hay đề tài mà tòa báo yêu cầu nhà báo phải khai thác. Đỗ Doãn Hoàng phi trên không gian hạn hẹp mà đề tài cũng như “vấn đề” được các sếp giao nhiệm vụ. Biến các chuyến “đi công tác” thành ra phương tiện cho ngòi bút cá nhân nhà báo, nhà văn, không câu nệ những ràng buộc mà đa số các nhà báo xuất sắc của các tòa báo lớn theo đuổi cho sự nghiệp hành nghề của mình. Nói đến đây tôi chợt nhớ có lần Hoàng bảo tôi, cháu phục cụ Vũ Trọng Phụng có tài “trộn” giữa văn và báo nhuần nhuyễn tự nhiên đến mức, đọc cụ xong ta quên mất thể loại. Một phóng sự hay không chỉ do sự kiện, đề tài mà nó bao gồm quá nhiều yếu tố. Nhưng có lẽ yếu tố hàng đầu vẫn là tấm lòng của người viết. Hình như nói thế thì cách diễn đạt quá quen thuộc. Nó còn cao hơn thế nữa kia…
Đỗ Doãn Hoàng dẫn dắt ta đi dọc ngang đất nước, gặp đủ hạng người, sao người nào ta cũng thấy mến yêu, cũng dễ cảm thông, cũng sẵn lòng chia sẻ. Mỗi chuyến đi xuyên Việt, lội rừng của Hoàng thường kéo dài hai mươi ngày cho đến cả tháng trời. Đúng là một gã thích sống đời rong… ruổi. Càng đi tới vùng sâu vùng xa càng khiến ta gần gũi hơn với cuộc sống khó khăn của đồng bào các dân tộc và tự ta thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Đỗ Doãn Hoàng kể chuyện giản dị, đi và viết giản dị, không mấy khi ta thấy anh bơi giữa giòng đời mà phải luồn lách đánh võng hay tán nhỏ thành to, rồi bình luận đao to búa lớn. Ta chỉ thấy Đỗ Doãn Hoàng lẫn trong dân bản, đứng về phía dân bản. Anh không chìa tay dẫn dắt bà con nhiều khi còn mông muội của mình đi; mà ta thường thấy anh chìa tay nhờ bà con dẫn dắt. Cái phẩm cách tự nhiên ấy xuất phát từ tấm lòng, từ nhu cầu tự thân của cuộc sống của người làm phóng sự. Điều đó đã tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng và cả cốt cách và đẳng cấp của cây viết phóng sự Đỗ Doãn Hoàng.
Hà Nội, cuối năm 2018
Chặng đường mới còn phía trước
Tôi bắt đầu viết bài này cách nay dễ có cả chục năm. Khi ấy Đỗ Doãn Hoàng mới ba mươi tuổi, hành trang là 5 tập phóng sự đĩnh đạc, 1 tập truyện ngắn, 1 tập truyện vừa với cả một kho khổng lồ tài liệu điền dã tứ phương – Đỗ Doãn Hoàng chưa có dấu hiệu mệt mỏi – tất nhiên anh còn quá trẻ. Cũng chưa có dấu hiệu lặp lại mình. Xe phân khối lớn của anh còn nhiều xăng. Bút còn nhiều mực. Gối chưa mỏi. Chân chưa chồn. Máu giang hồ vẫn chưa nguội. Tuổi chưa cao - chức sắc chưa vướng bận – tất nhiên. Lòng còn mê mải, vợ con anh em cha mẹ bè bạn đề huề, tôi tin Hoàng còn nhiều nội lực để sải bước trên con đường đã chọn.
Những thiên phóng sự trên đây là một chặng. Còn chặng tới thế nào? Chặng mới của anh theo tôi được biết, bằng kiến thức rộng mở, anh đã bỏ nhiều thời gian vào học ngoại ngữ và kĩ năng sống trên những vùng đất xa lạ bằng nội lực chịu thương chịu khó của chàng trai làng cổ Đường Lâm. Mấy năm qua Đỗ Doãn Hoàng với tay lái “con xe” gầm cao băng rừng lội suối tới các miền đất có nhiều sự cố của châu Phi, châu Âu, Nam Mỹ, những nơi luôn có nhiều biến động trên thế giới với một ngòi bút sắc sảo, đằm sâu hơn và chắc chắn mới mẻ hơn, khác hẳn những thiên phóng sự trước tuổi Ba mươi. Ấy mới là cái mà chúng ta vẫn hằng mong đợi. Anh có vẻ như đã sẵn sàng tiếp tục cho ra mắt thêm những tập phóng sự “nóng” hơn cả “dưới gầm trời lưu lạc”. Vâng, chúng ta cũng vui vẻ đợi thêm.