Phù hợp nhu cầu thanh toán trực tuyến
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, KBNN đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản, hiện đại về công nghệ, góp phần vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước, vừa hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số.
Trong xu hướng đó, việc thanh toán của người dân, doanh nghiệp cũng dần được KBNN thay đổi khi nhu cầu thanh toán trực tuyến ngày càng tăng cao. Đến nay, KBNN đã phối hợp cùng nhiều ngân hàng trong việc mở và sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu của KBNN tại ngân hàng và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước, đồng thời kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách giữa ngân hàng và KBNN.
Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước đã kí kết trước đó với KBNN, từ tháng 5/2020, đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phối hợp thu gồm: ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB), ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank).
Theo ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, KBNN, trên cơ sở thỏa thuận ký kết và lộ trình triển khai thống nhất với 4 ngân hàng thương mại cổ phần, KBNN đã phối hợp với 4 ngân hàng này chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc triển khai, đặc biệt là các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đảm bảo cho việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử được an toàn, bảo mật, nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, tập trung được toàn bộ số thu phát sinh trong ngày tại các địa phương về trung ương vào cuối ngày làm việc.
Theo báo cáo mới nhất từ KBNN, sau 1 năm thực hiện (tính đến hết tháng 4/2021), việc mở tài khoản chuyên thu của KBNN và triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước, thanh toán song phương điện tử đã được KBNN thực hiện với VPBank tại 31 đơn vị KBNN tại 8 tỉnh, thành phố; với SHB tại 32 đơn vị KBNN tại 6 tỉnh, thành phố; với Techcombank tại KBNN Hà Nội và 7 đơn vị KBNN trực thuộc; với SeABank tại 3 đơn vị KBNN tại 3 tỉnh, thành phố.
"Thông qua công tác phối hợp thu, toàn bộ khoản thu ngân sách qua ngân hàng sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống qua các tài khoản chuyên thu của KBNN tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào ngân sách nhà nước, đồng thời, truyền thông tin các khoản thu ngân sách sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nhanh chóng, thuận lợi và an toàn", ông Lưu Hoàng nhận định.
Tiếp tục mở rộng
Có thể khẳng định, việc tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần trên của KBNN đã theo đúng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Về phía người nộp thuế, công tác này giúp tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong thu ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Ví dụ, người nộp thuế được mở rộng thêm thời gian và không gian làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp ngân sách nhà nước, đồng thời, người nộp thuế được cung cấp thêm các dịch vụ nộp ngân sách nhà nước đa dạng, thuận tiện, văn minh hiện đại hơn như nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking,…
Còn đối với phía ngân hàng, khi kí kết phối hợp với KBNN sẽ giúp ngân hàng nâng cao sự cạnh tranh và chất lượng dịch vụ cung cấp cho KBNN và các khách hàng của mình, mở ra các kênh thanh toán tiện ích mới. Cùng với đó sẽ nâng cao năng lực về thanh toán thuế, phí và lệ phí của các ngân hàng thương mại, tăng thêm tiện ích cho các khách hàng của ngân hàng thương mại.
Lãnh đạo Cục Quản lý Ngân quỹ cho biết, hiện nay, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước giúp cho toàn bộ khoản thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản của KBNN tại ngân hàng. Sau đó, vào cuối ngày làm việc, các khoản thu ngân sách nhà nước tại các ngân hàng thương mại được tập trung toàn bộ về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 58/2019/TT-BTC, đảm bảo tính tập trung, kịp thời và thông tin về khoản thu được truyền sang ngay Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.
Ngoài ra, việc này còn giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu ngân sách nhà nước tại KBNN, tạo điều kiện cho KBNN tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; góp phần tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN (đến hết năm 2020, tỷ trọng thu bằng tiền mặt qua KBNN chỉ còn 0,55% so với tổng số thu ngân quỹ nhà nước).