Bài 1: Đất vàng bỏ hoang, dân khát nhà ở
Hàng loạt dự án nhà xã hội tại Hà Nội và nhiều địa phương khác nhiều năm trong tình trạng án binh bất động. Đất vàng quây tôn, cỏ mọc khắp nơi, trở thành nơi đổ rác thải...
Lãng phí rất lớn
Ngõ 52 phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) chỉ mưa ít phút đã lầy lội. Con mương nhỏ nước đen kịt bốc mùi hôi thối dài mấy trăm mét chạy quanh dự án. Hơn 6 ha đất vàng nằm giữa khu đô thị sầm uất của quận Long Biên để hoang từ năm 2008 đến nay biến thành nơi xả rác và cỏ mọc.
Ông Vũ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, cho biết, đây là dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được thành phố giao cho liên danh chủ đầu tư là Cty CP Him Lam Thủ đô và Cty CP BIC Việt Nam. Dự án gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách.
“Dự án hiện còn 20 hộ dân thuộc diện tái định cư tại chỗ, tức là phải chờ xây dựng xong mới có nhà để đền bù. Trong khi đó cơ quan chức năng yêu cầu phải có mặt bằng sạch mới được giao đất và cấp phép xây dựng. Cần giao đất để chủ đầu tư triển khai dự án mới có nhà để tái định cư”, ông Thư nói.
Theo UBND phường Thượng Thanh, dự án bỏ hoang dẫn đến toàn bộ hạ tầng khu vực quanh dự án như đường giao thông, thoát nước buộc phải tạm dừng đầu tư, gây nhiều khó khăn cho người dân. Việc tuyên truyền cho người dân về giải phóng mặt bằng các dự án khác vì thế ngày càng khó khăn.
Nhiều địa phương không có dự án khởi công
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM 07 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%...), hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...).
Tình trạng bỏ hoang đất còn diễn ra tại dự án NƠXH ở Khu đô thị Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Theo yêu cầu của TP Hà Nội, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng NƠXH này từ quý IV/2022 để đưa vào khai thác, sử dụng từ quý IV/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, dự án nằm ở ô đất rất đẹp, trong đô thị sầm uất, cạnh 2 trục đường lớn: Vành đai 3 trên cao và đường Nguyễn Xiển khoảng 500m. Đi vào từ ngõ 214 Nguyễn Xiển, xung quanh hạ tầng đã được hoàn thiện. Với vị trí đông đúc dân cư, thuận lợi nhưng đến nay dự án vẫn đang quây tôn, bên trong cỏ mọc um tùm.
Tương tự tại dự án NƠXH Rice City Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 1,59 ha gồm 711 căn hộ với tổng mức đầu tư 899 tỷ đồng. Thời gian hoàn thiện dự quý III/2022. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang bị hoang hóa...
Đối với dự án tại số 4-6-8 ngõ 321 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2023, thời gian thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2025. Tuy nhiên dự án khó đảm bảo tiến độ, do còn nhiều thủ tục liên quan. Vướng mắc lớn nhất là đất đang do doanh nghiệp thuê của Nhà nước nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ mất rất nhiều thời gian.
Tại Hà Nội, tình trạng này xảy ra ở nhiều quận, huyện.
Biển người xếp hàng mua nhà xã hội
Do nhiều khó khăn về quy định pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về đất đai... nhiều năm qua, Hà Nội có rất ít dự án NƠXH được cấp phép xây dựng. Năm 2023 chỉ có duy nhất 1 dự án NHS Trung Văn đủ điều kiện mở bán. Cảnh bốc thăm diễn ra sáng 20/5/2023 tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy còn ám ảnh với hơn 1.500 người tham gia trong khi chỉ có 150 căn hộ mở bán. Không ít người đã chầu chực thâu đêm tại nơi bốc thăm với hy vọng may mắn có được suất mua nhà.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2016 đến giữa năm 2023, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động được thực hiện theo Luật Nhà ở và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.
Đến nay, cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH, bao gồm 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375 héc-ta và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983 héc-ta. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông.
Hiện tại đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu mét vuông; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, Bộ Xây dựng nhìn nhận, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (12,5 triệu mét vuông nhà ở).
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một chủ đầu tư NƠXH tại Hà Nội cho biết, dự án NƠXH của họ đã qua 10 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai bởi “rừng” thủ tục. Tiến độ thành phố giao đã sắp hết nhưng dự án vẫn chỉ là bãi cỏ hoang. Theo vị đại diện, từ năm 2014 đến nay, các nghị định hướng dẫn thay đổi liên tục, trong đó có sự chồng chéo.
Theo nhiều chuyên gia về bất động sản, tình trạng chung cư sốt giá trong những tháng gần đây tại Hà Nội và TPHCM do thiếu nguồn cung, đã tiếp tục tước đi cơ hội mua nhà của nhiều người dân có thu nhập trung bình. Nếu nguồn cung không được cải thiện, tình trạng sốt giá sẽ tiếp tục kéo dài và tình trạng “biển” người bốc thăm mua nhà sẽ tái diễn.