Phát hiện vi khuẩn kháng sinh nặng trên thịt đầu tiên tại Việt Nam

TPO - Các chuyên gia cho biết lần đầu tiên tại Việt Nam, một loại vi khuẩn kháng thuốc colistin - loại thuốc dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn nặng đã được phát hiện trên thịt tại các chợ truyền thống ở TPHCM. 

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Giao (Điều phối viên kết nối công chúng, Dự án ViParc, Đơn vị nghiên cứu lâm Ssàng Đại học Oxford), các nhà khoa học ViParc gần đây đã  tìm thấy vi khuẩn Salmonella kháng với colistin trong thịt heo mua từ chợ truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh (loại Salmonella không thương hàn). Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng colistin được phát hiện trên thịt ở Việt Nam. Colistin là thuốc kháng sinh dùng để trị bệnh nhiễm khuẩn nặng, thường chỉ được sử dụng cho người như giải pháp cuối cùng, khi các thuốc khác không hiệu quả.

Bà Quỳnh Giao cho biết, việc sử dụng sai, sử dụng quá mức kháng sinh trong ngành chăn nuôi Việt Nam, chính là  nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh (nhờn thuốc kháng sinh). “Hiện tượng này xảy ra khi vi khuẩn chống lại được tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn ở động vật và người bị thất bại.”, Bà Giao cho biết.

.
Tác phẩm Để Gà Sạch Chính Hiệu, Nguyễn Lê Duy Thanh (18 tuổi) miêu tả một trang trại mở
“tiệc nhậu kháng sinh”, cho gà từ lớn đến nhỏ say xỉn vì thuốc, mà ông chủ vẫn lừa người tiêu dùng quảng cáo bán “gà sạch”.

Với mục đích giúp người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long nuôi gà khỏe mạnh nhưng sử dụng ít kháng sinh hơn. Cuộc thi ảnh  “Cai Nhậu Kháng Sinh Cho Gia Cầm” thu hút đông đảo học sinh tham gia, với 123 tác phẩm hình chụp, tranh vẽ và bài viết thể hiện cách nhìn về vấn đề lạm dụng kháng sinh đang rất phổ biến hiện nay.

Bức tranh mang tên Tui Kể Mình Nghe, lấy bối cảnh hai vợ chồng đang bàn bạc tìm cách hạn chế dùng kháng sinh bằng các thực hành chăn nuôi tốt, như chọn giống khỏe mạnh, lên kế hoạch tiêm vắc-xin đúng đắn.

Qua đó, cuộc thi cũng đã trao 10 giải thưởng chung cuộc dành cho 10 tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung cũng như có cách nhìn dí dỏm, thông minh về thực trạng kháng kháng sinh trong tình hình hiện tại.