Phát hành trái phiếu hay chứng chỉ?

TP - Trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên phát hành trái phiếu huy động vàng để kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

> Giá vàng giảm sâu

Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Đình Ánh, việc phát hành trái phiếu để huy động vàng trong dân giống như huy động ngoại tệ mà Nhà nước đang làm.

Giống như một dạng dự trữ ngoại hối và có thể sử dụng để cân bằng vàng trong nước thay vì nhập khẩu. Muốn làm được điều này thì phải có cam kết chắc chắn từ phía Nhà nước.

“Nhà nước huy động vàng và luôn cam kết với người dân đổi trái phiếu ra vàng vật chất. Điều này tách giao dịch vàng vật chất và thay vào đó là giao dịch bằng trái phiếu như một tài sản. Khi đó vàng vật chất nằm trong tay Nhà nước, có thể điều hành và cân bằng thị trường. Thậm chí Nhà nước có thể xuất, nhập khẩu vàng vật chất đấy”, ông Ánh nói.

Ông Ánh còn nhấn mạnh nên coi vàng là tiền tệ đặc biệt: “Nếu Nhà nước coi vàng như USD thì người ta sẽ không thắc mắc vì sao phải bỏ USD ra để nhập khẩu vàng. Bởi vì đây cũng là loại tiền này đổi sang tiền kia. Thậm chí vàng còn đáng tin cậy hơn USD”.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu vàng có thực sự huy động được 400 tấn vàng đang nằm trong dân hay không phụ thuộc phần nhiều vào niềm tin của người dân.

“Nếu người dân gửi vàng vào sau đó chuyển về Ngân hàng Nhà nước, còn Ngân hàng Nhà nước sử dụng như công cụ tài chính thì quá tốt cho thị trường. Điều quan trọng nhất là, khi người ta cần chuyển đổi từ trái phiếu đó ra vàng vật chất phải được đảm bảo. Giá vàng trong nước đang chênh với thế giới chủ yếu do Nhà nước không cho phép nhập khẩu về”, ông Ánh cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại miền Bắc lại cho rằng, phát hành trái phiếu huy động vàng khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Vị này phân tích: “Khi phát hành trái phiếu Nhà nước thì bao giờ cũng ấn định thời gian từ 5- 10 năm mới được đổi. Bản thân Nhà nước cũng phải cân đối tính bài toán lãi suất làm sao để vừa huy động được nguồn vàng trong dân để đảm bảo phát hành trái phiếu đấy. Hoàn cảnh này, nếu đưa trái phiếu hấp dẫn thì người dân lại đổ xô đi mua vàng để gửi, rồi đẩy giá vàng tăng cao”.

Ông này cũng dẫn chứng, ở nước ngoài khi người ta muốn huy động nguồn lực của dân thì phát hành chứng chỉ bằng vàng (do các quỹ phát hành-PV). Các quỹ đó do các tổ chức tín dụng tư nhân. Chứng chỉ có thời gian ngắn hạn nên khách hàng có thể giao dịch với nhau mang tính chất tài chính hơn.

“Hiện ở Việt Nam, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đang phát hành chứng chỉ, nhưng mức độ huy động không được nhiều vì chưa tạo lòng tin cho khách hàng. Và chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến ngày các NHTM phải ngừng huy động vàng. Càng gần đến ngày đó, việc huy động nguồn lực khổng lồ này trong dân đang là một bài toán khó cho Nhà nước”, vị này nói.

Theo Báo giấy