'Phát cuồng' vì cả làng trúng số độc đắc
> Bên thua vụ kiện 55 triệu USD kháng cáo
Nằm ở một vùng đất khô cằn cách Barcelona (Tây Ban Nha) 3 giờ đồng hồ xe chạy, làng Sodeto mừng năm mới với câu chuyện cả làng trúng số độc đắc.
Tháng 12 vừa qua, 70 hộ gia đình làng Sodeto đang phải cố gắng sinh tồn trong cơn bỉ cực mà cuộc suy thoái kinh tế của Tây Ban Nha (TBN) mang lại. Thêm vào đó, hạn hán kéo dài khiến đời sống của người nông dân trên vùng đất vốn rất khô cằn này càng thêm khó khăn.
Niềm vui tột cùng
Vào lúc chán chường, ai đó xướng lên ý kiến cả làng nên cùng nhau mua loại vé số có giá trị cao nhất nước này là El Gordo - loại chỉ bán vào mùa Giáng sinh - để thử vận may. Vì giá trị giải của nó, El Gordo mang ý nghĩa nôm na là “vé mập”. Vào sáng ngày quay số, tất cả người làng đều tập trung trước màn ảnh nhỏ.
Khi kết quả độc đắc được xướng lên trên truyền hình, cả làng đều kêu thét. Tiếng kêu của họ vang to và ngân dài còn hơn tiếng gầm khi thấy cầu thủ nhà sút tung lưới đối phương trong một giải quốc tế. Sau đó, họ chạy ra đường. Khi ý thức được rằng nhà nhà đều trúng số, cả làng Sodeto đã cùng “lên cơn điên”. Bà Anica Bordei, chủ sở hữu quán cà phê tồi tàn ở làng, đã chạy nhảy tung tăng trên những con đường làng với đôi vớ bị lủng lỗ.
Hầu hết người làng Sodeto là nông dân hoặc thợ xây dựng đang thất nghiệp. Trong phút chốc, vài người trúng lớn tương đương vài triệu USD nhờ mua nhiều tờ, người trúng ít nhất nhận 130.000USD. Nhiều nông dân lái xe máy kéo ra thị trấn để thông báo với thị trưởng Rosa Pons. Thị trưởng bèn dùng loa phát một bài chúc mừng. Bà Rosa kể : ”Nhiều phụ nữ rủ nhau đi làm tóc. Nhưng chủ tiệm hớt tóc cũng trúng vé số nên nói rằng "Hôm nay, tôi không làm việc". Vậy đó!”.
Trong vòng 20 phút, đại diện ngân hàng đã có mặt để làm thủ tục chứng nhận và chuẩn bị chuyển tiền. Phần vì ngân hàng muốn ngăn chặn kẻ xấu từ xa tìm đến mua lại vé trúng với giá cao nhằm rửa tiền. Báo chí địa phương cũng kéo đến.
Tối đó, quán cà phê của bà Anica đông nghẹt người làng. Ông Jose Manuel Penella Cambra vừa nâng ly bia vừa kể ông đã lo lắng thế nào khi không kham nổi tiền lãi vay nâng cấp hệ thống tưới tiêu. Ông nói : ”Giờ thì mọi người đều dễ thở!”. Vợ ông mua hai “cổ phần vé” nên bà trúng tương đương 260.000USD. Đứa con trai phát hiện thêm hai “cổ phần vé” nằm trong một xó nhà do vợ ông mua xong lại quên mất, nên tổng cộng gia đình ông trúng 520.000USD. Jose cười ha hả: ”Tôi nói với thằng con ráng tìm nữa đi con, coi còn tấm nào nữa không!”.
Mua tập thể, trúng tập thể
Hệ thống xổ số của TBN không giống với nhiều hoạt động xổ số kiến thiết khác trên thế giới. Trong lần xổ số “vé mập” vừa rồi có 1.800 vé trúng giải nhất với dãy số 58268. Người TBN bỏ ra tương đương 26USD để mua một tờ vé số.
Nếu trúng độc đắc, họ nhận tương đương 520.000 USD - tức nhiều gấp 20.000 lần! Còn trúng nhỏ nhất thì được vài USD. Do giá vé khá cao nên chính phủ cho phép nhiều người hùn lại mua một tờ. Chẳng hạn ở Sodeto đã chẻ nhỏ 1 vé ra 4 “cổ phần vé”. Mỗi “cổ phần” trị giá tương đương 6,5USD.
Về mạng lưới phân phối, TBN sử dụng mạng lưới các cộng đồng cư dân như một hình thức giúp xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Hiệp hội các bà nội trợ Sodeto là một nhà phân phối trong số đó. Tiền hoa hồng cho mỗi năm bán vé số của hiệp hội khoảng 1.300USD. Số tiền này được dùng vào việc mua thức ăn và đồ trang hoàng mỗi khi có lễ hội.
Năm vừa rồi, hiệp hội này mở rộng mạng lưới phân phối ra 17 làng bên và nhờ bán được nhiều “vé mập” mà thu hoạch khoảng 150 triệu USD! Sở dĩ Sodeto được ưu đãi làm nhà phân phối vì chính phủ TBN có chính sách ưu tiên cho những người chấp nhận vỡ hoang vùng đất khô cằn này.
Tuy nhiên, việc bán vé số không phải lúc nào cũng “đầu xuôi đuôi lọt” nhất là khi ở Sodeto có đến 23% người thất nghiệp. Trong đợt vừa rồi, một thành viên của hiệp hội là bà Mari Carmen Lambea cố gắng chào bán cho một bà bạn có chồng đang thất nghiệp. Do bà Mari hết sức nài nỉ, bà này hứa sẽ trả tiền sau. Vào lúc vé được xướng trúng độc đắc, người bạn này vẫn chưa đưa tiền và tờ vé đó vẫn ở chỗ bà Mari. Bà Mari kể “Bạn tôi ngại gọi điện nên kêu thằng con trai gọi cho con tôi hỏi thử tôi còn giữ tấm đó không. Khi tôi trả lời còn, gia đình đó đã khóc nức nở”.
Chỉ một người không trúng
Người duy nhất trong số 250 cư dân không mua vé số nên không chia được miếng bánh nào là Costis Mitsotakis, một nhà làm phim người Hy Lạp. Costis đến sống tại Sodeto do “đi theo tiếng gọi tình yêu”. Dù chuyện của anh và người phụ nữ kia không thành nhưng Costis vẫn ở lại. Anh sống trong một gian nhà kho nằm cách làng gần nửa cây số nên không ai đến gõ cửa nhà mời mua vé.
Sau khi cả làng Sodeto phất lên một cách thần kỳ, nhiều người hàng xóm đã rủ Costis thử vận may cho những lần sau nhưng anh từ chối. Niềm vui của Costis là thực hiện một bộ phim về những sự thay đổi ở Sodeto kể từ khi cả làng trở thành giàu có.
Costis cho biết: ”Nhiều nhân viên bán hàng kéo tới đây mời người làng mua xe BMW và xe Ford. Nhưng người dân nói chỉ muốn mua xe máy kéo hay nhiều lắm là bộ ghế sofa. Tôi cũng chẳng thấy ai sắm đồng hồ xịn hay quần áo hiệu. Dù đã có rất nhiều tiền, họ vẫn làm việc 16 tiếng mỗi ngày”.
Costis phỏng vấn dân làng về “ước mơ của họ”. Người Sodeto cho biết họ yêu sự trãi nghiệm lúc biết mình trúng vé số nên có một ước mơ là lại được trúng số. Hiện giờ, họ mua vé số nhiều gấp ba lần trước đây. Người làng Sodeto cũng nói, ở “lần trúng số tới”, họ nhất quyết không muốn Costis bị bỏ rơi.
Bà Sandra ở làng Sodeto nói: ”Costis bị "lọt sổ" trong lần mở số mới rồi. Nhưng tôi biết, anh có thể trở nên giàu có nhờ vào tài năng của mình, khi anh nói cho thế giới biết, qua những thước phim của mình, câu chuyện về làng Sodeto”.
Theo Thế giới & Hội nhập