Trên cơ sở thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa đội hỗ trợ tại KBNN và đội hỗ trợ tại KBNN địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của KBNN, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của công chức hỗ trợ địa phương là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với hệ thống KBNN trong thời kỳ đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các bài toán nghiệp vụ và cung cấp Dịch vụ công của hệ thống KBNN.
Công tác hỗ trợ công nghệ thông tin (CNTT) được xem là “mặt tiền” của hệ thống KBNN với các tổ chức, cá nhân có giao dịch với hệ thống KBNN, có sử dụng các ứng dụng CNTT do hệ thống KBNN cung cấp cũng như với người sử dụng trong hệ thống KBNN các cấp. Công chức hỗ trợ CNTT nắm giữ những vai trò và nhiệm vụ quan trọng, bắt đầu từ việc tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ từ người sử dụng và các thông tin phản hồi về những sự cố phát sinh. Đồng thời họ phải nhận định, sử dụng kiến thức có được để đưa ra giải pháp xử lý, các phương án khả thi áp dụng thực hiện trong mọi trường hợp.
Hệ thống KBNN có trên 20 ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ với số lượng người sử dụng lớn sẽ làm phát sinh nhiều yêu cầu hỗ trợ do đó cần nguồn lực lớn để xử lý kịp thời các yêu cầu hỗ trợ phát sinh nhằm đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ trong hệ thống KBNN luôn thông suốt Một số ứng dụng lớn, số lượng yêu cầu hỗ trợ nhiều dẫn đến quá tải tại cơ quan KBNN. Phân cấp hỗ trợ CNTT trong hệ thống KBNN sẽ sử dụng được nguồn lực công chức tại KBNN cấp tỉnh tham gia xử lý yêu cầu hỗ trợ, xử lý công việc hiệu quả mà không làm tăng biên chế' của toàn hệ thống KBNN. Việc phân cấp hướng tới các mục tiêu: Xử lý được nhiều yêu cầu hỗ trợ một cách nhanh chóng, chính xác với thời gian ngắn nhất; sử dụng hiệu quả nguồn lực công chức tại KBNN cấp tỉnh; phát huy tính năng động sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của KBNN cấp tỉnh; tạo ra mối quan hệ tốt giữa KBNN tỉnh với đơn vị quan hệ ngân sách.
Hỗ trợ CNTT tại hệ thống KBNN phân chia thành 3 mảng công việc chính, bao gồm: Hỗ trợ yêu cầu của người sử dụng liên quan đến phần mềm ứng dụng; hỗ trợ yêu cầu của người sử dụng liên quan đến máy móc, thiết bị CNTT; hỗ trợ yêu cầu của người sử dụng liên quan đến tài khoản hệ thống và an toàn thông tin.
Một số nguyên nhân và hạn chế ảnh hưởng đến phân cấp hỗ trợ CNTT trong hệ thống KBNN cụ thể như: Văn bản pháp lý chưa phù hợp với yêu câu công việc thực tế; Chưa quyết tâm trong việc thực hiện phân cấp; Nguồn nhân lực; Hạ tầng công nghệ thông tin
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác hỗ trợ hệ thống CNTT của hệ thống KBNN, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Cần thực hiện tốt quy định trong các văn bản pháp lý liên quan đến phân cấp hỗtrợ CNTT trong hệ thống KBNN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp hỗ trợ CNTT.
Để đẩy mạnh phân cấp hỗ trợ CNTT trong hệ thống KBNN thì nhiệm vụ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của KBNN là hết sức quan trọng, cần phải được quan tâm và chú trọng hàng đầu từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo và đào tạo lại cũng như bố trí sắp xếp công chức cho phù hợp với từng vị trí công tác; đồng thời, đòi hỏi mỗi công chức KBNN phải nỗ lực rèn luyện, học tập và lao động sáng tạo, thay đổi nhận thức tư duy mới để thích nghi với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Cần tiêu chuẩn hoá và chuyên môn hoá đội ngũ công chức nghiệp vụ KBNN. Những công chức được phân công làm công tác này phải là người có năng lực chuyên môn cần thiết. Đồng thời, những công chức này cũng phải có tư cách, phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc, có kỹ năng giao tiếp tốt; có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như đào tạo tập trung, đào tạo tại chức, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ
Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực hỗ trợ CNTT, năng lực quản lý hệ thống thông tin là các nhân tố cơ bản cần phát triển Thực hiện đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Tập trung vào đào tạo các chuyên môn kỹ thuật CNTT trọng tâm như quản trị cơ sở dữ liệu OCP của Oracle; quản trị mạng CCNA; quản trị mạng nâng cao CCNP; an toàn bảo mật cơ bản SCNP; an toàn an ninh thông tin CISSP; kiến thức về điện toán đám mây, về cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu phát triển ứng dụng và quản trị vận hành các chương trình ứng dụng trong hệ thống KBNN.