Trưa nay (13/7), một trận động đất nhẹ có độ lớn 2.6 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đây là trận động đất tiếp theo trong chuỗi hàng chục trận động đất xảy ra tại khu vực này những ngày qua.
Trước đó, chỉ trong một tuần (5-12/7), khu vực này đã xảy ra 42 trận động đất, ba trong số đó có độ lớn 4.0 trở lên, có khả năng gây rung chấn rõ rệt trên mặt đất.
Động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum và các huyện lân cận từ tháng 4/2021, ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.
Vốn là khu vực có hoạt động địa chất tương đối yên tĩnh, chỉ trong vòng hai năm qua, khu vực này đã ghi nhận hàng trăm trận động đất, gấp nhiều lần số trận động đất đã ghi nhận trong hơn một thế kỷ trước đó. Đáng lưu ý nhất là trận động đất xảy ra vào tháng 8/2022 với độ lớn 4.7, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn trên bề mặt.
Động đất kích thích xảy ra Kon Tum không phải là lần đầu động đất kích thích xảy ra tại Việt Nam. Trước đó, Việt Nam từng ghi nhận động đất kích thích tại thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Sông Tranh 2.
Ngày 23/5/1989, một trận động đất kích thích có độ lớn 4.9 đã xảy ra tại hồ thủy điện Hoà Bình, được xây dựng trên lưu vực sông Đà, sau khi thủy điện này tích nước đầy vào tháng 12 năm 1988.
Tại Sơn La, ngày 19/7/2014, một trận động đất 4.3 độ được ghi nhận sau khi hồ được tích nước vào tháng 4 năm 2012.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, so với động đất kích thích ở khu vực Tây Bắc, động đất kích thích tại Sông Tranh 2 và Kon Tum có sự khác biệt. Động đất xảy ra với tần suất nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn.
Tại Sông Tranh 2, động đất kích thích kéo dài hơn 10 năm với tần suất dày hơn khu vực Tây Bắc. Tại Kon Tum động đất xảy ra hơn 2 năm qua với tần suất khá dày.
Lý giải về nguyên nhân, PGS Cao Đình Triều cho biết, tần suất và thời gian xảy ra động đất kích thích liên quan chặt chẽ đến môi trường địa chất.
Tại thủy điện Hòa Bình và Sơn La, hoạt động động đất kích thích xảy ra trên nền địa chất đá vôi. Còn tại Kon Tum và khu vực thủy điện Sông Tranh 2, phân bố nhiều loại đá biến chất.
PGS Triều cho biết, trên thế giới cũng ghi nhận mối liên quan chặt chẽ giữa môi trường địa chất với hoạt động động đất kích thích. Tại Ấn Độ, từng ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm trong môi trường địa chất đá biến chất.
PGS Triều cho biết thêm, khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum và thủy điện Sông Tranh 2 đều nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định).
Ông nhận định trong khu vực này thời gian tới sẽ còn tiếp tục xảy ra động đất kích thích, liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, cũng theo PGS Triều, tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ.
Vì vậy, trận động đất mạnh 4.7 độ tháng 8/2022 có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn.