Theo thông tin được đưa ra, Cục Ngoại thương Thái Lan đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, 4 công ty thép lớn của Thái Lan gồm: Công ty TNHH Cotcometalworks, Công ty TNHH Thai Metal (TMT), Công ty TNHH Pacific Pipe (PAP), Công ty TNHH Asia Metal (AMC), Công ty TNHH Thép Thai Coon đã cáo buộc rằng sản phẩm ống dẫn bằng sắt hoặc thép nhập khẩu từ Việt Nam đang gia tăng về số lượng và bị bán phá giá tại thị trường Thái Lan gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ cho Cục Ngoại thương Thái Lan trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có bất lợi.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Canada cũng đang điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam. Hiện Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành và gửi bản trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ Việt Nam về vấn đề tình hình thị trường đặc biệt tới cơ quan điều tra Canada .
Trong trường hợp xác định ngành ống thép Việt Nam không hoạt động theo các điều kiện thị trường, Canada sẽ sử dụng giá trị thay thế để tính toán và thường đẩy biên độ phá giá lên khá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến ngày 18/10 tới, Canada sẽ ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc này.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương đã phải lên tiếng cảnh báo về việc các doanh nghiệp xuất khẩu thép có nguy cơ bị “chế tài” khi xuất khẩu vượt chỉ tiêu sang thị trường EU.
Cụ thể, Căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại; thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.
Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%).
Nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (sau ngày 3/2/2019).