Đây là giải thưởng uy tín bậc nhất Châu Á nhằm công nhận, tôn vinh những doanh nghiệp và doanh nhân đã có những thành tích xuất sắc trong năm nay.
Doanh nhân xuất sắc và cú đúp giải thưởng kép
Giải thưởng Kinh doanh xuất sắc Châu Á APEA (Asia Pacific Entrepreneurship Award) là giải thưởng uy tín bậc nhất Châu Á, được tổ chức hàng năm bởi Tổ chức Phi chính phủ Enterprise Asia nhằm kết nối các doanh nhân và doanh nghiệp hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trong khu vực.
APEA có nhiều tiêu chí lựa chọn nghiêm ngặt và quá trình bầu chọn rất khắt khe. Để nhận được giải thưởng này, các ứng viên phải vượt qua nhiều vòng đánh giá như kiểm toán tài chính; đánh giá dữ liệu doanh nghiệp và năng lực lãnh đạo trong nhiều năm; phỏng vấn tại trụ sở và bỏ phiếu kín bởi hội đồng tư vấn quốc tế của Enterprise Asia. Ngoài ra, các ứng viên cũng cần chứng minh kỹ năng kinh doanh, kinh nghiệm cũng như cam kết duy trì các chuẩn mực về kinh doanh bền vững.
Năm nay, ông Đỗ Minh Phú và TPBank đã trở thành ứng viên xuất sắc trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam được Enterprise Asia lựa chọn trao giải ở hai hạng mục Doanh nhân xuất sắc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Tổ chức tài chính xuất sắc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện Enterprise Asia cho biết APEA đánh giá cao ông Đỗ Minh Phú ở khả năng quản trị doanh nghiệp và những thành tựu xuất sắc, liên tục đổi mới của TPBank. “Giải thưởng này là một minh chứng cho khả năng lãnh đạo xuất sắc cũng như quyết tâm của doanh nhân và doanh nghiệp. Chỉ có một vài người được lựa chọn vinh danh mỗi năm và đó là những người thực sự xuất sắc trong lĩnh vực của họ”, vị đại diện này chia sẻ thêm.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007, với mạng lưới 18 quốc gia và hơn 2.000 thành viên, Enterprise Asia đã lựa chọn và trao giải cho nhiều doanh nghiệp và doanh nhân hàng đầu Châu Á như Tập đoàn Cathay Financial Holiday (Đài Loan), Hãng hàng không Air Asia (Malaysia), Tập đoàn Sanyei (Nhật), Plaza Premium (HongKong), tỷ phú sòng bài Châu Á Lui Che Woo (Hong Kong), tỷ phú Hui Wing Mau - Chủ tịch Tập đoàn Shimao Property (Trung Quốc), Ông Tony Tan Caktiong, Chủ tịch tập đoàn Jolibee Foods Corporation (Phillipines), tỷ phú Quek Leng Beng (Singapore)…
Giải thưởng kép APEA 2019 một lần nữa khẳng định chính xác, khách quan về thành công của ông Đỗ Minh Phú nói riêng và sự phát triển của TPBank nói chung. Đây không chỉ là sự công nhận cho năng lực kinh doanh nổi bật mà còn là cơ hội kết nối và mở rộng thị trường ra khắp khu vực Châu Á cho TPBank trong thời gian tới.
Người làm ngân hàng với 3 cái thực
Năm 1994, ông Đỗ Minh Phú quyết định rời bỏ vị trí cao của 1 công ty liên doanh với mức lương rất cao 500 USD để ra lập doanh nghiệp riêng. “Tôi lựa chọn việc mở công ty, không biết bao nhiêu phần trăm thắng nhưng biết sẽ thành công”, Chủ tịch Doji ngày ấy mở đầu. Chiêm nghiệm mình đã trải qua hầu hết thành bại, thăng trầm của một doanh nhân, ông Đỗ Minh Phú cho rằng nếu có kiếp sau, ông mong muốn có những trải nghiệm khác như làm văn nghệ sỹ hay nhà truyền giáo…
Ông Phú từng chia sẻ: Quyết định đầu tư vào Ngân hàng Tiên phong lúc đó với tôi như “lao đầu vào đá”. TPBank khi đó có 3 cái tôi gọi là 3 “không” gồm: không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của 1 NHTM; Không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; Không có đủ công nghệ. Làm thế nào để làm được đối với tôi khi đó gần như là việc bất khả thi.
“Sau này có nhiều bài báo viết rằng không thực thì không vực được ngân hàng yếu kém. Điều này rất đúng. Bởi khi đó, chúng tôi có nguồn vốn thực (tôi và em trai Đỗ Anh Tú sau khi bán hết cổ phần tại Diana đã dồn toàn bộ tiền vào). Do đó, TPBank may mắn không phải loay hoay tìm nguồn tiền”, ông Phú khi đó nói. Ngoài ra, theo ông chủ nhà băng này, ông xác định khi bắt tay vào làm ngân hàng cần phải có một sự quản trị thực mà ở đây vai trò của những lãnh đạo. Cùng đó, cần ban điều hành thực sự. Chính 3 yếu tố thực này đã giúp TPbank tái cơ cấu thành công.
Từ một ngân hàng non trẻ với số lượng nhân viên chỉ khoảng 500 người thời điểm trước tái cơ cấu, dưới sự quản trị của Chủ tịch Đỗ Minh Phú, TPBank đã có sự phát triển vượt bậc với định hướng chiến lược hiệu quả, an toàn, minh bạch và thấu hiểu khách hàng. Đến nay, TPBank đã đón nhận thêm nhiều cổ đông nước ngoài có uy tín trên thị trường tài chính quốc tế như IFC, PYN Elite Fund…; niêm yết thành công trên sàn chứng khoán HOSE với giá trị vốn hóa thời điểm niêm yết đạt gần 20.000 tỷ đồng. TPBank cũng nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức trong và ngoài nước như được Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm lên mức B1 với triển vọng ổn định; được tạp chí The Asian Banker bình chọn là Top 10 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam, top 500 ngân hàng mạnh nhất Châu Á…
Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 3.200 tỷ đồng, tổng tài sản năm 2019 đạt 156.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Nhà băng cũng đặt mục tiêu huy động vốn trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Tính đến hết tháng 8/2019, Ngân hàng đã thực hiện gần 70% kế hoạch lãi trước thuế với hơn 2.159 tỷ đồng, xấp xỉ con số lợi nhuận đạt được của cả năm 2018. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm đạt hơn 1.727 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 90.850 tỷ đồng, huy động vốn từ tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 95.082 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu vẫn kiểm soát được dưới 2%.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank