Việc ông Assange đột ngột bị thôi cho trú ẩn trong đại sứ quán Ecuador khiến nhiều người tò mò về cuộc sống của người đàn ông này ra sao trong suốt 7 năm qua.
Những hành động nêu trên của ông Assange có thể thách thức sự kiên nhẫn của bất kỳ chủ nhà nào. Nhưng đối một nước nhỏ bé như Ecuador, quốc gia luôn tự hào với lòng mến khách và đã chi gần 1 triệu USD để bảo vệ Assange, những thứ đó bị coi là sự sỉ nhục quốc gia.
“Chúng tôi đã chấm dứt cho người đàn ông hư đốn đó tị nạn”, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno nói hôm 11/4 khi không giấu nổi cảm xúc giận dữ, để giải thích cho quyết định chấm dứt bảo vệ Assange và giao người đàn ông này cho cảnh sát Anh. “Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ thận trọng trong việc trao quy chế tị nạn cho những người thực sự xứng đáng, và không phải những tin tặc chỉ có mục tiêu duy nhất là gây bất ổn cho các chính phủ”, Tổng thống Moreno nói.
Tuy nhiên, một số người, trong đó có cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa – người đã cho Assange tị nạn năm 2012, nói rằng dù Assange vi phạm các điều khoản tị nạn và là gánh nặng với Ecuadro, nhưng cũng không thể tống cổ ông này đi như vậy.
Ecuador trở thành thiên đường an toàn cho nhà sáng lập trang WikiLeaks từ năm 2012 khi người đàn ông này không còn mấy lựa chọn để tránh bị truy tố với các tội danh lạm dụng tình dục ở Thụy Điển. Vào một ngày tháng 6, Assange chuyển đến tòa nhà của đại sứ quán Ecuador, nhưng ai cũng nghĩ ông này chỉ ở lại trong một thời gian ngắn.
Thế nhưng, trong khu nhà chật chội, nơi một văn phòng nhỏ được chuyển thành phòng ngủ, trở thành địa chỉ thường trú của người đàn ông này. Nhiều người gọi nơi đó giống như một nhà tù thực tế.
Khi thời gian tị nạn kéo dài, quan hệ của Assange với chủ nhà xấu đi, và cách hành động của ông ta cũng trở nên thất thường. Các nhân viên sứ quán phàn nàn Assange trượt ván vào ban đêm, bật nhạc to và đi loanh quanh khi chỉ mặc đồ lót mà không thèm để ý đến những người khác đang sống và làm việc trong cơ sở ngoại giao nhỏ bé này.
Một quan chức cấp cao của Ecuador gọi phòng của Assange là “lãnh thổ có chủ quyền nằm trong một lãnh thổ có chủ quyền” mà không nhân viên nào của sứ quán được bước vào. Nhưng mùi hôi thối bốc ra từ người cả tuần không tắm, miệng bốc mùi vì vệ sinh kém là những phiền toái mà chủ nhà thường xuyên phải chịu.
Rồi còn có một vấn đề với phân của Assange. Cán bộ sứ quán nói rằng người đàn ông này bôi phân lên tường ít nhất một lần để thể hiện sự coi thường quy định, cho thấy ông ta không tôn trọng chủ nhà như thế nào.
“Khi bạn được cung cấp nơi ở, được chăm sóc và cho ăn, bạn chớ nên sỉ nhục chủ nhà”, Tổng thống Monero nói hôm 11/4.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, chính phủ của ông Moreno mắng mỏ Assange vì can thiệp vào các vấn đề quốc tế khi lên tiếng ủng hộ lực lượng đòi ly khai ở Catalan khi vẫn đang ở trong sứ quán Ecuador.
Căng thẳng lên đến mức Ecuador năm ngoái hạn chế Assange tiếp cận internet và yêu cầu người đàn ông này phải dọn dẹp cho con mèo James của mình. Assange đã có hành động thách thức yêu cầu đó.
Gần đây, khi mâu thuẫn lộ rõ hơn, Assange bắt đầu quấy rối bằng lời nói và hành động đối với những người phục vụ mình, cáo buộc họ là gián điệp cho Mỹ và đang tìm cách đổi thông tin về WikiLeaks lấy việc được giãn nợ cho Ecuador.
Vài tháng trước, Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia nói Assange từng dọa Đại sứ Jaime Merchan rằng đại sứ quán sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu ông ta bị bắt. Dù không rõ Assange ngụ ý gì khi đưa ra đe dọa này, Ecuador đã chia sẻ quan ngại với giới chức Anh, và vụ bắt giữ người đàn ông này hôm 11/4 được sắp đặt cẩn thận nhằm ngăn người đàn ông này quay lại căn phòng để thực hiện bất kỳ kế hoạch khẩn cấp nào.
Giọt nước tràn ly đối với Tổng thống Moreno là WikiLeak quyết định tung thông tin về tài khoản ở nước ngoài do anh trai tổng thống đứng tên. Những bức ảnh cá nhân của ông Moreno đang nằm trên giường, cũng như ảnh các thành viên gia đình ông đang khiêu vũ, cũng bị rò rỉ, khiến nhà lãnh đạo Ecuador càng có động lực để đẩy Assange vào tay chính quyền Anh.
Tuy nhiên, ông Correa chỉ trích báo chí và chính phủ phương Tây áp đặt “tiêu chuẩn kép” trong vụ Assange công khai thông tin nhạy cảm về các lợi ích an ninh quốc của Mỹ.
“Dù Julian Assange lên án các tội ác chiến tranh, ông ta chỉ là người cung cấp thông tin. Chính báo New York Times, Guardian và El Pais đã xuất bản. Vì sao những nhà báo hay ông chủ báo đó không bị ném vào tù?” ông Correa nói trong một cuộc phỏng vấn ở Brussels.