Thời Riedl, chưa cần tới cỡ Văn Quyến, mà chỉ là một Phan Thanh Bình chăm chỉ và nhanh nhẹn là đã được "book" sẵn một suất trong đội hình chính, và trong gần như tất cả các buổi tập nội bộ, Riedl cũng chia đội hình chính - phụ rất rõ ràng. Nhưng những tập đối kháng của HLV Miura ở ĐT Olympic những ngày này lại là một sự luân phiên con người rất khó đoán biết.
Ví dụ như Nguyễn Công Phượng - một trong những cầu thủ được chú ý nhất ĐT, lúc thì được đá xung quanh những cầu thủ đến từ "lò" Hoàng Anh JMG, nhưng lại có lúc được kéo sang đá cùng những cầu thủ từ các "lò" khác, những cầu thủ mình mới lần đầu sát cánh như Huy Toàn, Thanh Bình, Ngọc Thắng.
Và như chia sẻ của chính Công Phượng với giới truyền thông thì Phượng hiểu rất rõ nếu không cố gắng chứng tỏ mình trong mắt một ông thầy khắt khe, nghiêm minh như Miura thì chuyện xách vali về nhà là điều hoàn toàn có thể.
Thực tế thì năm ngoái, trong quá trình dẫn dắt ĐTVN chuẩn bị tham dự AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà, HLV Miura đã gây bất ngờ khi loại bỏ những cầu thủ giàu kinh nghiệm chinh chiến trong màu áo tuyển như Vũ Phong, Quốc Anh. Một trợ lý của Miura thời điểm ấy nhận xét với chúng tôi: "Nếu không phải Miura, có lẽ chuyện này không bao giờ xảy ra".
Đến sát sạt AFF Cup, khi ĐT cần phải loại 4 cầu thủ cuối cùng thì nhiều người đã sốc nặng khi biết một trong 4 người bị loại lại là tiền vệ Trọng Hoàng - một cầu thủ thuộc vào dạng "con cưng" dưới thời ông thầy Bồ Đào Nha Calisto.
Chưa hết, buổi sáng ngày diễn ra trận đấu đầu tiên của ĐT ở AFF Cup với Indonesia, ông Miura đã nói chuyện riêng với các trợ lý về việc để cả đội trưởng Tấn Tài lẫn đội phó Công Vinh ngồi dự bị, và thực tế thì điều ấy đã diễn ra.
Tất cả những điều này cho phép chúng ta đi tới một kết luận bước đầu (vẫn phải nhấn mạnh vào yếu tố "bước đầu", vì sau trên dưới 1 năm, với chỉ 1, 2 giải đấu mà đã khẳng định chắc nịch e sẽ phải trả giá): Miura dụng binh dựa trên phong độ và tính hiệu quả thực tế của các cầu thủ (dĩ nhiên là hiệu quả trong cách nhìn, cách xây dựng lối chơi của riêng ông), chứ không dùng người vì tên tuổi, hay những sự tác động này nọ từ những địa chỉ quanh mình hay trên mình.
Theo chúng tôi thì kiểu xây dựng một ĐT không ngôi sao, không công thần, không vùng cấm như thế là một điều hết sức cần thiết.
Vấn đề chỉ là, khi tư tưởng này gặp phải những rào cản nào đó thì nó có được thay thế bằng một sự thỏa hiệp (dù nhỏ nhoi nào đó) hay không? Đặt câu hỏi như vậy là vì giả dụ trong danh sách cuối cùng của ĐT Olympic sang Malaysia tham dự vòng loại U.22 châu Á không có những cái tên mà lãnh đạo Liên đoàn muốn có - những cái tên theo những nhà lãnh đạo này có thể không chỉ làm lợi cho ĐT về mặt chuyên môn, mà còn làm lợi cả về phương diện hình ảnh, thương hiệu, thì cũng không loại trừ việc HLV trưởng sẽ bị "nhắc nhở", và không thừa khi nhắc lại trước Miura đã từng có những ông thầy bị "nhắc nhở" để rồi phải thỏa hiệp với sự "nhắc nhở" dạng này.
Hy vọng cái quan điểm đội bóng không "vùng cấm" của Miura sẽ được bảo vệ tận cùng, chứ không chỉ dừng ở việc được thể hiện tối cao ở giai đoạn hội quân lúc đầu!