Tất nhiên, có những điều ông Miura nói và làm lại khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng.
Ngay từ những ngày đầu rong ruổi trên các khán đài V-League để tìm quân, ông Miura đã “dội gáo nước lạnh” vào các “fan cuồng U.19” khi vô tư cho rằng các cầu thủ U.19 HAGL chưa đủ trình độ đá V-League. Ngay thời điểm ấy, HAGL với đội hình dream team U.19 đang là tâm điểm chú ý của dư luận nhưng đã thua đến 5 trận và lẹt đẹt ở nhóm cuối của V-League. Đến khi gọi tập trung dự tuyển Olympic Việt Nam, có đến 9 - 30 cầu thủ của CLB HAGL lọt vào danh sách.
Trong lúc ai cũng nghĩ lần này kiểu gì ông Miura cũng chịu phép trước áp lực phải sử dụng nhóm cầu thủ này làm nòng cốt thì ông lại trả lời báo chí rằng ông xây dựng lối đá theo Miura chứ không phải Grachen (HLV của đội tuyển U.19 và CLB HAGL) hay bất kỳ một ai khác. Quả thật, chưa lúc nào có quá 3 cầu thủ HAGL được sử dụng cùng lúc trong đội hình chính và đội vẫn đá ngon lành.
Giai đoạn rèn quân, rất nhiều cầu thủ chấn thương có nguyên nhân không chịu nổi khối lượng các bài nhồi thể lực theo giáo án. Một chuyên gia có tiếng trong làng bóng đá từng có thời gian dài làm việc cho CLB HAGL trả lời báo chí rằng ông Miura đã hủy hoại một thế hệ cầu thủ và với cách huấn luyện này thì tuyển Olympic chả đi đến đâu ở vòng loại U.23 châu Á. Lần này, ông Miura không đưa ra ý kiến gì, cũng có thể ông chẳng quan tâm đến bởi đang tập trung cao điểm cho đội bóng ở Malaysia.
Nhưng câu trả lời của ông thì đã có: sau khi loại các cầu thủ chấn thương do không kham nổi quá trình tập luyện, các cầu thủ còn lại trở nên khỏe không ngờ khi thi đấu 3 trận trong 6 ngày với các đối thủ có lối đá khác nhau mà không hề hấn gì. Chỉ riêng Huy Toàn chấn thương đáng tiếc do va chạm trong trận gặp Malaysia. Hơn nữa, tỷ số các trận đấu dường như được… sắp đặt sẵn, hiệu số bàn thắng vừa đủ để đội tuyển nằm trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Nếu chỉ thiếu một bàn thôi thì coi như mục tiêu ban đầu ông Miura “hứa” với liên đoàn đã không hoàn thành.
Nói vậy chứ bóng đá vẫn luôn có yếu tố may mắn và những con người có thể làm việc thuận lợi với nhau để cho ra kết quả tốt nhất mà người ta hay gọi là yếu tố nhân hòa. Bóng đá Việt Nam đã không ít lần chứng kiến những bài nhồi thể lực như các buổi chạy mướt mồ hôi trên bãi biển của cựu HLV Dido, hay gần đây là các bài tập khá khoa học của trợ lý Dyker của HLV Hoàng Anh Tuấn…
Tuy nhiên, những lần ấy đều mang lại hiệu quả không cao. Ngay như các bài tập từ pha bóng cố định, hầu hết HLV nào cũng chú ý và cho cầu thủ luyện tập rất nhiều. Nhưng đến khi HLV Miura đưa ra bài “tìm sự sống từ những pha bóng chết” thì hiệu quả đã có sự khác biệt, phần lớn các pha đá phạt cố định do Mạnh Hùng hay Công Phượng thực hiện đều mang tính uy hiếp rất cao với hệ thống phòng ngự đối phương.
Biết đâu, từ những con người có thể làm việc tốt với nhau này, bóng đá Việt Nam sẽ có sự thay đổi để vượt qua cách làm luôn đặt nặng thành tích mà quên đi việc xây dựng nền móng như trước nay.