Nước chủ nhà thường lỗ nặng vì ASIAD

Busan, Hàn Quốc, năm 2002 đã chi tới hơn 4,2 tỷ USD để đầu tư cho ASIAD 14, trong khi số tiền thu về chỉ 223,2 triệu USD. Thái Lan, Trung Quốc... cũng bị thâm hụt vì Á vận hội.

Nước chủ nhà thường lỗ nặng vì ASIAD

> Hàn Quốc gánh nợ vì Asiad 2014 

Busan, Hàn Quốc, năm 2002 đã chi tới hơn 4,2 tỷ USD để đầu tư cho ASIAD 14, trong khi số tiền thu về chỉ 223,2 triệu USD. Thái Lan, Trung Quốc... cũng bị thâm hụt vì Á vận hội.

Busan đã đầu tư hơn 2,9 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ASIAD 14.
 

Báo cáo của thành phố Incheon, Hàn Quốc, về khoản đầu tư cho Á vận hội 17 được tổ chức vào năm 2014 cho hay, số tiền này đã tăng 110% so với dự toán ban đầu, mặc dù Hàn Quốc đã có kinh nghiệm tổ chức ASIAD 14 vào năm 2002.

Cụ thể, chi phí đầu tư dự tính là gần 1,62 tỷ USD, bao gồm 1,39 tỷ USD đầu tư cho xây dựng sân vận động và cơ sở hạ tầng, gần 11 triệu USD cho việc tu sửa công trình và các khu luyện tập. Chi phí đường sá và vận tải sẽ tiêu tốn khoảng 103 triệu USD. Báo cáo tháng 4.2012 cho thấy, Incheon đang chịu áp lực lớn về tài chính do khoản nợ gia tăng.

Năm 2002, Hàn Quốc cũng đăng cai Á vận hội 14, địa điểm tổ chức là Busan. Chi phí điều hành cả kỳ hồi đó khoảng 182,5 tỷ won (167,4 triệu USD), trong khi doanh thu đạt 243,4 tỷ won (223,2 triệu USD). Tiền thương mại chiếm 36% tổng doanh thu, trong đó đứng đầu là quảng cáo, rồi đến bán vé và marketing.

Thế nhưng, tổng vốn đầu tư lại vượt quá xa so với hai con số trên. Busan đã chi tới 3.140 tỷ won (2,9 tỷ USD) tiền đầu tư trực tiếp vào ASIAD 14, bao gồm xây 12 sân vận động, nâng cấp và cải thiện các hạ tầng thể thao vốn có, xây các làng vận động viên. Bên cạnh đó còn khoản tiền 1.470 tỷ won (1,35 tỷ USD) dành cho việc nâng cấp hạ tầng giao thông.

Thái Lan đã 4 lần đăng cai ASIAD, riêng Á vận hội năm 1998 đã tiêu tốn 19,3 tỷ baht ở thời điểm đó (627,7 triệu USD theo tỷ giá mới hiện nay).
 

Năm 2010, ASIAD 16 được tổ chức tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Vào tháng 3.2005, một thành viên Hội đồng thành phố Quảng Châu tuyên bố "ASIAD sẽ không tốn quá 2 tỷ nhân dân tệ" (317,8 triệu USD). Tháng 3.2009, Giám đốc Marketing của kỳ ASIAD 16 Fang Da'er cho hay Á vận hội lâm vào cảnh thiếu vốn do không có đủ tài trợ và ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Một báo cáo không chính thức cho rằng ASIAD tại Quảng Châu tiêu tốn khoảng 420 triệu USD, và doanh thu khoảng 450 triệu USD. Tháng 10.2010, ông Vạn Khánh Lương, Chủ tịch thành phố Quảng Châu thông báo tổng chi phí cho ASIAD và Asian Para Games khoảng 122,6 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD). Số tiền cụ thể sẽ được công bố trước năm 2013.

Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á từng 4 lần đăng cai ASIAD vào các năm 1966, 1970, 1978 và 1998. Theo báo cáo của Ban tổ chức ASIAD 1998, chi phí điều hành ước tính 2,67 tỷ baht tại thời điểm đó (hơn 86,8 triệu USD tính theo tỷ giá mới nhất). Trong khi đó, doanh thu do Á vận hội mang về đạt 2,73 tỷ baht, tương đương 88,8 triệu USD.

Số tiền thu về chủ yếu nhờ các hợp đồng tài trợ (chiếm 40%), tiếp sau là phí bản quyền truyền hình (480 triệu baht), tiền vé, xổ số, tiền do Chính phủ Thái Lan đầu tư,... Nhưng thực tế Thái Lan đã chi tới 19,3 tỷ baht (627,7 triệu USD) đầu tư cho cơ sở hạ tầng liên quan tới ASIAD, gồm 3 khu phức hợp thể thao, các làng vận động viên, nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở viễn thông.

Kết thúc phiên họp toàn thể Hội đồng Olympic châu Á (OCA) tại Macao, Trung Quốc, chiều 8.11, Việt Nam vượt qua thành phố Surabaya, Indonesia, để lần đầu tiên trở thành chủ nhà của một kỳ Á vận hội (ASIAD 18 năm 2019). Đề án tổ chức Asiad 2019 của Việt Nam đi kèm với kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất tổng thể của khu vực phía Bắc do Chính phủ phê chuẩn. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ hoàn thành hệ thống đường giao thông liên tỉnh và tiếp tục cải thiện hạ tầng cơ sở các tỉnh, thành.

Việt Nam dự tính chi phí tổ chức của ASIAD 2019 vào khoảng 150 triệu USD (3.100 tỷ đồng), trong đó tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải lường trước tiền phát sinh, nhất là khi các kỳ ASIAD trước đây đều có chi phí dự trù thấp nhưng con số cuối cùng lại đội lên gấp nhiều lần.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, gói đầu tư 150 triệu USD sẽ được chi chủ yếu cho việc xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, một phần sẽ dành cho chi phí cán bộ và phục vụ công tác tổ chức.

Dự án xây mới gồm trung tâm báo chí, sân xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình, xây trung tâm thi đấu quần vợt, sân bóng chày, trường đua ngựa và 5 môn phối hợp, sân bóng chày, hockey trên cỏ, rugby... Cơ sở vật chất sẵn có sẽ được tu bổ và nâng cấp cho phù hợp với tiêu chuẩn.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại