Khánh Hòa nói: Album này không chỉ dành tặng họ, những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo, mà mình còn muốn tặng cho những người đã đi và chưa từng đi đến vùng máu thịt ấy của đất nước những hình ảnh, lời ca đầy ý nghĩa.
NSND Lê Trọng Nghĩa, Nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, nơi Khánh Hòa công tác, nhớ lại lý do ông mời ca sĩ Khánh Hòa về trong một lần đi nghe hát ở quán bar.
Ngoài gương mặt đằm thắm, Khánh Hòa còn có một giọng hát trời phú đẹp, nhạc cảm sâu sắc lại chất chứa sự đam mê. Nhìn thấy triển vọng ở giọng ca này, ông đã quyết định chiêu mộ nữ ca sĩ về nhà hát.
Quả nhiên, sau đó, chị đã chứng tỏ khả năng của mình bằng những Huy chương vàng, bạc trong các Hội diễn, Liên hoan.
Nhưng ít ai biết, Khánh Hòa từng đạt giải Nhất Giọng hát hay Thanh Hóa vào năm 1991 khi chị còn đang theo học ở trường Nghệ thuật Thanh Hóa.
Công tác tại đoàn ca múa nhạc của tỉnh một thời gian, chị quyết định ra Hà Nội để học Nhạc viện để rồi sau đó trở thành một trong những giọng ca chính của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Cũng từng hát nhạc trẻ, nhạc buồn, nhưng rồi chị nhận ra, dòng nhạc dân gian mới chính là thế mạnh của mình. Quả nhiên, chị ngày càng đằm thắm, mặn mà, hợp với dân ca ba miền.
Tinh tế trong những ca khúc mang âm hưởng ca trù, lúng liếng với những nhạc phẩm mang giai điệu của Chèo, Khánh Hòa cũng rất ngọt khi thể hiện các ca khúc về miền Trung, lại mùi mẫn khi hát nhạc mang âm hưởng Nam Bộ.
Chị bảo, đã mất nhiều công sức để luyện tập ngữ âm của các vùng miền, đi học hát ca trù ở Câu lạc bộ ca trù Thái Hà, vào cố đô đi nghe ca Huế và chịu khó nghe đờn ca tài tử của người dân đất Phương Nam.
Chưa từng chơi đàn đáy, nhưng Khánh Hòa đã có một cú liều, đó là khi dự thi Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, chị đã quyết định hát bài Trăng về phố (Lê Mây) có phần tự đánh đàn đáy.
“Trong suốt hai tháng trước khi thi, Khánh Hòa tập luyện ăn ngủ với đàn đáy, tập quyết liệt đến bật cả máu tay. Lên sân khấu, tôi tự hào được đánh đàn đáy với cả dàn nhạc với 20 nhạc công chuyên nghiệp phía sau”, Khánh Hòa kể lại.
Nhạc sĩ Lương Nguyên cũng phải buông lời: Cữ giọng của Khánh Hòa nhập “màu” rất tốt, hát âm hưởng dân ca, chèo, đờn ca tài tử đều ra chất, hát rất chín.
Bởi vậy, album Người ơi hãy về phát hành 2007 của chị được người trong nghề đánh giá cao. Có lần sang Úc lưu diễn, Khánh Hòa đã được những khán giả xa quê yêu cầu hát tới 8 lần.
Có lẽ, khi đặt tên con là Khánh Hòa, bố mẹ chị sẽ không bao giờ nghĩ cô con gái của mình sẽ có cái duyên với Trường Sa đến vậy. Ba lần ra đảo, cả ba lần chị đều khóc, lần đầu thì khóc như mưa, những lần sau thì khóc dấm khóc dúi đến sưng cả mắt…
Năm 2009, lần đầu ra Trường Sa, Khánh Hòa “nhừ tử” vì bị sóng biển quăng quật. Không ăn uống được gì, chị trèo lên boong tàu nằm võng cho đỡ say. Đêm đến, những cơn mưa biển trút xuống, hắt vào boong khiến Khánh Hòa ướt như chuột lột, nhưng chị vẫn chấp nhận ướt còn hơn bị say sóng.
Hòa vẫn chưa khóc. Ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt, cứ như vậy để được lên với đảo. Nhưng rồi, ghé vào các đảo chìm, nhà giàn DK1, nước mắt ở đâu không hiểu cứ kéo về rồi tuôn ra giàn giụa.
Hát trong sự thổn thức, nức nở, các cô văn công người thì rút sổ lưu niệm, người thì tặng gói ô mai, còn Khánh Hòa cởi chiếc nhẫn chị đang đeo, trao cho người lính trẻ nhất trên nhà giàn.
Chị bảo, lúc ấy chỉ nghĩ là để trao cho các anh chút hơi ấm của đất liền, để họ có thêm tình cảm giữa nơi đầu sóng ngọn gió.
Cứ như vậy, năm nào Khánh Hòa cũng xung phong đi. 2009, 2010 rồi đến lần thứ 3, năm 2012, chị cũng lại nộp đơn xin đi cùng với một dự án ấp ủ từ lâu về một album Gần lắm Trường Sa.
Đơn gửi đi tới các cấp duyệt, Khánh Hòa hồi hộp đợi tin. Từ trước tới nay, đã có DVD hướng về Trường Sa, nhưng chưa có album nào lại ra được Trường Sa để ghi hình cả.
Người ta chỉ quay ca sĩ trong studio rồi dùng kĩ xảo ghép hình, hoặc ra biển để “giả” cảnh, hoặc ghi hình trên tàu mang tính rất tượng trưng… Khánh Hòa nghĩ: thiếu gì người muốn làm việc như vậy, liệu cơ hội có dành cho mình?
Cơ may đã đến, Khánh Hòa không biết diễn tả thế nào cho hết niềm vui của mình. Đoàn làm phim gồm 10 người: đạo diễn Việt Hương, quay phim, kĩ thuật viên, hóa trang... với đầy đủ thiết bị như máy quay, đèn, monitor, cần cẩu, mic boom, đường ray... Chị cũng mang theo mấy va li quần áo, trong đó 10 bộ áo dài, 6 bộ váy, kem chống nắng, thuốc bổ, sữa.
Đến mỗi đảo nổi, Khánh Hòa phải nhờ chi viện 10 chiến sĩ giúp khuân vác đồ đạc, 5 chiến sĩ làm... diễn viên, đóng cảnh bộ đội tuần tra và không quên nhờ cả các em nhỏ trên đảo.
Chị bảo: may mắn đã thu được vào ống kính hình ảnh mộc mạc, chân thật của các anh chiến sĩ hải quân.
Hành trình kéo dài 12 ngày “ghé” thăm khoảng 10 hòn đảo, thời gian luôn luôn “thúc ép”, Khánh Hòa bảo, cả đoàn làm phim phải tính toán chi li thời gian, kịch bản, lịch trình làm việc sao cho kịp, họ không có thời gian cho việc nghỉ ngơi vì sẽ không có cơ hội trở lại đảo để làm lại.
Nói về nội dung album, Khánh Hòa cho hay, đó là câu chuyện về một ca sĩ ra Trường Sa biểu diễn, cảm phục về sự hi sinh, gian khổ của các chiến sĩ Trường Sa và có cảm tình riêng với một chiến sĩ hải quân.
Ngày đêm nhớ thương, cô quyết định trở lại Trường Sa một lần nữa để thăm lại các chiến sĩ, đàn em thơ và người yêu của mình. Album gồm 7 ca khúc: Sức sống Trường Sa, Mùa xuân nơi Trường Sa, Đừng ví em là biển, Sao biển, Gần lắm Trường Sa… Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn viết riêng cho Hòa một bài đồng dao để chị hòa giọng cùng các em nhỏ ở đảo Trường Sa lớn.
Ba lần đến Trường Sa, Khánh Hòa đã có được tình thân với các chiến sĩ. Đặc biệt chị nhớ nhất anh Hạnh, cán bộ đóng ở đảo Cô Lin. Trong lần tái ngộ, họ đã ôm chầm lấy nhau và khóc như mưa.
Cả hai lần, chị đều giúp anh chụp những bức hình và gửi về quê anh ở Bắc Giang, đúng vào dịp sinh nhật con của anh.
Khánh Hòa cũng không quên ghi địa chỉ, số điện thoại gia đình các chiến sĩ để cần mẫn rửa những tấm ảnh, gửi đến tận nhà cho họ.
Chị thổ lộ: “Nói hơi duy tâm nhưng trong suốt quá trình thực hiện, tôi đều gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Khánh Hòa tin điều gì được làm bằng cả trái tim, tâm hồn mình sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Hỏi chị tại sao ngoài đời xinh đẹp như vậy mà vào DVD, nhan sắc có vẻ “kém tươi”? Hòa bảo: vì mất sức. Té ra còn vì không chịu nghe lời đạo diễn! Ngày nào cũng dậy từ 2-3 giờ sáng, quần quật làm việc cho tới tận đêm khuya cho DVD, Khánh Hòa được đạo diễn Việt Hương bảo: Nói với mọi người ưu tiên, cho hát ít hơn để còn có sức quay phim. Nhưng rồi cứ lên với các chiến sĩ, chị lại quên hết lời dặn dò, cứ hát hết mình, thậm chí gấp vài lần sức lực bình thường. Đến khi vào hình mới thấy, khó giấu hết sự phờ phạc.
Hải trình liên tục, thiếu ngủ, phơi mình dưới cái nắng như thiêu như đốt giữa biển trời, thêm vị muối mặn, có lúc Khánh Hòa tưởng mình xỉu. May mắn thay, chị mang theo một đống thuốc bổ, nước sâm các loại, uống vào lại tỉnh.
“Có lúc ghi hình, mắt vẫn mở to, miệng cười tươi và hát trước ống kính, nhưng kỳ thực, lúc ấy tôi chỉ thấy một quầng sáng lòa trước mặt, chao đảo, ngả nghiêng, nhưng vẫn cố để ghi hình”.
Có lúc, để đạt được hiệu quả về hình ảnh, chị phải trèo lên chiếc ghế kê ở lan can tàu. Đứng trên đó hiên ngang giang tay cất tiếng hát, ghi hình xong, nhìn xuống biển sâu thăm thẳm dưới chân, chị mới bủn rủn chân tay.
Chị tự hào, những khoảnh khắc, ánh sáng, những khung cảnh đẹp nhất trên các hòn đảo của Trường Sa, cả bình minh lẫn hoàng hôn… đều đã có trong album của mình. Nói về những gì mình đã làm, Khánh Hòa chỉ có thể tóm gọn: Một dự án không tưởng đã thành hiện thực!
|
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp. |
Khánh Hòa tốt nghiệp khoa thanh nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2002, chị đầu quân cho Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long - Hà Nội.
Năm 2005, nhận Huy chương bạc hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc; Năm 2007, đoạt Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp ba nước Đông Dương; Năm 2010, được trao Huy chương vàng Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh do Bộ VH-TT và DL tổ chức.
Duyên nợ với Trường Sa
Cái tên Khánh Hòa cha mẹ đặt cho chỉ là một sự ngẫu nhiên, nhưng chị đã nghiệm thấy nó như một mối lương duyên. Ngay cả việc Khánh Hòa trở thành nghệ sĩ ưu tú cũng gắn với Trường Sa. Đó là trong khi chị cùng con tàu HQ 571 và đoàn công tác số 13 đang lênh đênh trên biển thì Khánh Hòa nhận được tin mình được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Có thanh, có sắc, lại cũng đã có danh, nhưng có lẽ nếu không phải người trong nghề, không phải là nhà báo theo dõi mảng văn nghệ, ít người biết đến chị. Khánh Hòa tự nhận mình không phải người thuộc về số đông.Ngay cả việc chị phụ trách đoàn ca của Nhà hát, Khánh Hòa cũng giấu biến, khi được hỏi, chị dặn: đừng đưa lên báo nhé! Thấy Khánh Hòa có vẻ “vui tai” khi nghe mấy nhà báo “tám” chuyện showbiz, hỏi chị có muốn “ghé chân”, chị đây đẩy giẫy ra: “Sợ quá!”.