Nông dân thời hiện đại: Làm, chơi đều khác lạ

TP - Nhờ máy móc, công nghệ mới, nông dân ở nhiều địa phương đã rút ngắn được thời gian sản xuất, thời gian nhàn rỗi, họ chăm lo nhiều hơn đến sức khỏe và làm đẹp.
Nông dân xã Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội chơi trò bịt mắt cướp cờ Ảnh: T.V
Nông dân xã Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội chơi trò bịt mắt cướp cờ.
Ảnh: T.V.

Đi lao động ở nước ngoài, thuê người cấy, gặt

Hiện nay, máy phay đất xuất hiện trên các cánh đồng ở đồng bằng sông Hồng ngày càng nhiều, ít thấy trâu, bò cày bừa như trước đây.

Anh Đỗ Văn Định (26 tuổi), xã Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội), làm dịch vụ phay đất cho biết: “Ở đây, người dân chủ yếu làm đất bằng máy phay, nước về hôm trước, sáng hôm sau là làm đất ngay để cấy. Hai anh em tôi đã chung nhau mua máy phay về cày bừa cho dân để có thêm thu nhập. Trung bình hai người đổi ca nhau có thể làm được một mẫu đất/ngày, với tiền công 90 – 100 nghìn đồng/sào. Cả xã hiện có hơn 10 máy phay nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con…”.

Theo anh Hương, xã Hồng Hà (Đan Phượng), hiện hầu hết các hộ dân đều thuê máy phay, nuôi trâu bò chỉ để bán.

Một nông dân cho biết: “Bây giờ làm ruộng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây cấy khoảng 15-20 ngày, thậm chí là gần một tháng mới xong vụ, thì nay chỉ mất khoảng 1 tuần. Hiện rất ít người phải tát nước bằng sòng dây vì nước vào tận ruộng, còn ruộng cao thì thuê máy bơm…”.

Cũng theo một người dân, việc áp dụng gieo sạ đã giảm được nhiều công lao động. Một phụ nữ đi nhổ mạ rồi cấy giỏi lắm chỉ được 1 sào/ngày, nhưng cũng một lao động có thể gieo sạ được 3 sào/ngày.

Nhiều nông dân xác định, cấy lúa chủ yếu là lấy lương thực để ăn, còn chi tiêu, mua sắm thì phải đi làm thêm. Thậm chí, có những hộ chấp nhận thuê người cấy để dành thời gian đi làm công việc có thu nhập cao hơn. Có nhiều chị đi lao động ở nước ngoài vẫn thường gửi tiền về cho chồng thuê người cấy, gặt.

Sau khi cấy xong, không ít nông dân lại đổ xô đi chợ buôn hoa quả, lợn gà, làm thợ xây, Ôsin… Anh Đỗ Văn Định (ở xã Châu Sơn), lúc nông nhàn lại làm thợ xây, với mức thu nhập trung bình đạt 100 nghìn đồng/ngày, làm tại quê nhà.

Những đôi vợ chồng trẻ ở nông thôn hằng ngày có thể dậy từ 3 giờ sáng chở rau ra thành phố bán, nhưng mức thu nhập của họ nhiều khi còn cao hơn lương của công chức ở thành phố. Một gia đình chồng làm thợ xây, vợ đi buôn bán rau quả cũng có thể đem về gần 200 nghìn đồng/ngày.

Bộ mặt nhiều làng quê ở Ba Vì cũng như nhiều huyện khác giờ đây đã đổi thay nhiều, ngõ xóm đều được bê tông hóa, nhà tầng, mái bằng đã thay thế những ngôi nhà cấp bốn, nhà tranh, số hộ nghèo ngày càng giảm.

Làm đẹp, ăn diện không kém ở thành thị

Khi đời sống vật chất, kinh tế được cải thiện, bà con nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến “văn - thể - mỹ”. Ông Ngô Văn Loát - Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: “Mấy năm gần đây, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, trình độ hiểu biết của bà con được mở rộng nhờ thông tin qua đài phát thanh, ti vi, sách, báo… Người dân đã coi trọng hơn việc rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, giải trí, làm đẹp…”.

Vào các buổi tối, sáng sớm, trên các đường làng, mặt đê, người dân đi bộ đông như trẩy hội. Xã Phú Cường có 2 đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, thể dục, thể thao của người dân. Phong trào chơi cầu lông rèn luyện sức khỏe từ đó phát triển rất mạnh, cả nam lẫn nữ tham gia.

“Có lẽ vui nhất là những buổi tập văn nghệ, ai cũng háo hức chờ ngày công diễn văn nghệ quần chúng. Có gia đình cả hai mẹ con hoặc hai bố con tham gia tập văn nghệ” – một cán bộ xóm cho biết, “Phong trào văn nghệ khí thế đến mức hội nghị nào của xã cũng có những tiết mục do các ca sĩ không chuyên thể hiện. Có khi phải cắt bớt vì có nhiều tiết mục quá” – Lãnh đạo xã Phú Cường nói.

Nguồn kinh phí cho văn nghệ, xã hỗ trợ mang tính chất động viên, khích lệ, ngoài ra còn do dân tự ủng hộ, đóng góp.

Nếu như trước đây, người nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn, thì nay nhiều chị em đã biết làm đẹp, ăn diện không khác so với dân thành thị.

Nông dân ngày nay không còn đi bộ thăm lúa hay gọi nhau í ới mà tất cả đều cưỡi ngựa sắt (xe máy) ra đồng, và cần gì là a lô.

Theo Báo giấy